Nghệ thuật ngắm tranh

Những khi lướt internet, xem tivi, tham quan bảo tàng hay những tấm hình lưu niệm hay đơn giản là từ môn vẽ hồi tiểu học, các bạn đều có thể bắt gặp những bức tranh với muôn hình muôn màu, với nội dung phong phú và mang cho bạn một cảm xúc khó tả. Đó chính là phản ứng bình thường trước cái đẹp thẩm mĩ. Đã có bao giờ bạn chủ ý thắc mắc về nguồn gốc bức tranh, hoàn cảnh họa sỹ đã hoàn thiện tác phẩm, với cách thức nào để vẽ chưa?
“Những bức tranh cũng có những biểu hiện tình cảm như con người: chúng có thể thổ lộ với bạn, làm cho bạn vui vẻ, giận dữ, gây sốc hoặc xoa dịu tầm hồn bạn”.
Vì vậy để xem tranh, hoặc:
– tự tìm hiểu dần về cách đánh giá hội họa theo những chuẩn mực, công thức về cái đẹp dựa trên bố cục, không gian, hình thể, màu sắc, chủ đề mà Mary Acton, giảng dạy tại trường đại học Oxford viết trong quyển sách “Learning to look at painting”.
– tự cảm nhận cái đẹp, sự đồng cảm, yêu ghét bằng cảm xúc cá nhân, chưa hẳn bức họa trường phái trừu tượng với giá trên trời sẽ gây hứng thú với bạn.
Nhưng quy lại, để đánh giá hội họa không thể thiếu cả hai cơ sở trên. Tôi thích tìm hiểu thêm về hội họa, một phần bắt nguồn từ những bài tập vẽ, bài học từ môn mĩ thuật những năm cấp hai. Theo thời gian vì chạy đua với các môn học chính tôi đã vô tình bỏ quên hẳn mà chẳng đọc thêm gì nữa. Tôi không phải là một họa sỹ , cũng chẳng phải một chuyên gia, chỉ là một tay lơ mơ yêu thích loại hình nghệ thuật vô cùng thi vị và đầy triết lí này, nhất là trong giai đoạn sự ra đời và phát triển của máy ảnh đã phần nào làm mất đi tính độc nhất quan trọng của nó. Do đó trong quá trình tìm hiểu tôi đã thấy phương thức tốt nhất là học cách xem tranh thông qua tập dần dần đánh giá các chi tiết, bố cục,..và tự trau dồi thêm kiến thức cơ bản về hội họa. Trong các quyển sách dành cho kẻ lơ mơ như tôi từng đọc để hiểu hơn một chút về nghệ thuật này, quyển “Looking at paintings” của Frances Kennet là lựa chọn đầu tiên. Quyển sách thông qua việc phân tích, giải thích và cảm nhận đối với một số bức tranh tiêu biểu nhằm tạo hứng thú đầu tiên về việc tìm hiểu về hội họa.
Bài viết được tham khảo và được dịch thoáng dựa trên quyển sách trên. Tôi vẫn giữ nguyên sườn chính, một vài câu văn khi dịch và một số hình minh họa. Ngoài ra tôi sẽ thay đổi một vài cấu trúc, bổ sung thêm thông tin về tác giả, nội dung tranh và đánh giá, bình luận khác liên quan của cá nhân tôi. Hình được tìm trên Internet và có ghi nguồn. Tất cả nhằm nâng cao tinh thần học hỏi và chia sẻ sở thích này với các bạn quan tâm.

Đứng lại và ngắm nhìn

I/ Nhìn như thế nào?
Thông thường đứng trước một bức tranh, chúng ta sẽ lướt thật nhanh để hình thành một ý nghĩ mơ hồ về những gì được miêu tả bên trong. Có thể ngay từ cái nhìn đầu tiên bạn sẽ thích thú bởi màu sắc, hình thể hoặc là một cảm xúc đặc biệt nào đấy dấy lên bên trong. Đó là một cách khá tốt để bắt đầu xem tranh. Tuy nhiên, nếu bạn chú ý thật kĩ họa tiết và biết một vài điều xung quanh cách vẽ của tác giả, bức tranh sẽ “trò chuyện” với bạn.
Bây giờ ta sẽ tìm hiểu bức họa “A Winter Scene with Skaters near a Castle” được Hendrick Avercamp, một họa sỹ người Hà Lan khoảng thời gian 1608-1609, chất liệu sơn dầu trên khung gỗ sồi.
ngamtranhp1-1
Tranh hiện được trưng bày tại nhà
Triển lãm Quốc gia (The National Gallery), Luân Đôn (Anh quốc).
Đầu tiên đập vào mắt bạn là hình ảnh một đám người lố nhố đang trượt băng, một tòa nhà/lâu đài lớn và một cái cây “dễ thương”. Bây giờ khi nhìn thật kĩ vào bức tranh (các bạn bấm vào hình và phóng to), bạn có cảm nhận được tiếng ồn nó mang lại không? Có lẽ là tiếng băng nứt, tiếng trẻ con nói cười hay tiếng kêu kin kít khi trượt băng? Trong bối cảnh thời tiết giá lạnh thế này, các bạn có cảm nhận được những niềm vui, sự hạnh phúc của mọi người khi nắm tay cùng vui chơi, cùng nhảy, khi thì đang trượt té, khi ngồi cười nói, khi nhìn xung quanh, rất hoạt náo và một tí lộn xộn. Thật ra Hendrick Avercamp chẳng bao giờ bàn luận về việc cảm nhận của mình như thế nào vì vốn dĩ bẩm sinh câm điếc. Ông đã thể hiện tất cả (cũng tự học trượt băng) qua các tác phẩm hội họa, lấy mùa đông làm chủ đề chính.
Bấm vào tấm hình phía dưới đây, zoom hết cỡ, hãy nhìn các vị trí tôi lấy làm ví dụ (có khoanh tròn), bức tranh mô tả thật cụ thể các hoạt động từng chủ thể, tôi còn biết thêm lâu đài này ở ngay tại quê hương ông, Hà Lan và các sự vật khác mà các bạn có thể tự quan sát và nhận xét. Hơn nữa các bạn có thắc mắc người nào trong tranh đến từ bên trong lâu đài không?
Bức tranh có kích thước 40.7 x 40.7 cm (hình này tương ứng với kích cỡ thật).
Tiếp, các bạn hãy thử so sánh kích cỡ của mọi người và các cây. Tôi lấy ví dụ người đang quỳ gối cột giày, cạnh gốc cây gần mắt các bạn nhất, so với các hình ảnh đoàn người đang băng con đường thật dài (hiệu ứng không gian) để đến khu vực nhà thờ khu bên trái bức họa. Và ví dụ khác về cái cây khô trước mắt so với mấy cây lưa thưa ở dãy nhà bên phải tấm hình (chiều cao chỉ còn tầm 1/3) . Các bạn hãy tự kiểm chứng điều đó (dĩ nhiên có thể ngoài đời biết đâu cây đó nhỏ hơn).
Luật xa gần, luật phối cảnh là điều cơ bản trong hội họa, vẽ phối cảnh (perspective). Khi gần mắt thì vật thể sẽ to, nét đậm và rõ hơn so với lúc ở xa. Ngoài ra các đường song song sẽ hội tụ tại đường chân trời (horizon line), các cạnh càng xa đường chân trời sẽ càng xiên hơn. Đường chân trời là thành phần quan trọng trong tranh vẽ, vì chứa nhiều điểm tụ (vanishing point) của mặt phẳng, từ đó quyết định đến khả năng tạo chiều sâu không gian trên mặt phẳng hai chiều. Vị trí đường chân trời tùy thuộc vào ý định bố cục của họa sỹ.
ngamtranhp2-3
www.pinterest.com–Hình ảnh minh họa về cách vẽ 
phối cảnh và hiệu quả của quy luật xa gần
Tôi sẽ nhắc lại một cách chi tiết hơn về luật phối cảnh trong một bài viết khác theo câu trúc của quyển sách.
II/ Tiền cảnh (foreground), trung cảnh (middleground), hậu cảnh (background) (giới thiệu sơ lược)
Tiếp tục phân tích bức họa của họa sỹ Hendrick, phần cây to nhất và một số người lố nhố đứng chỗ gốc cây là tiền cảnh. Tiếp đó ngay chính giữa tấm hình, một nhóm lớn những người thanh niên đang nhảy là khu vực trung cảnh. Sau cùng, khu vực hậu cảnh gồm lâu đài, xa xa là những tòa nhà, đoàn người “be bé” đang đi đến nhà thờ.
ngamtranhp2-4
Ví dụ khác về các thành phần bố cục
Winter Landscape with Skaters near a Castle,
họa sỹ Adrian Van de Venne(1615), tranh sơn dầu
Mỗi khu vực sẽ có cách thêm họa tiết, pha màu sáng tối, đậm nhạt khác nhau tùy ý định của tác giả. Nhưng một bức tranh thành công về thể hiện chiều sâu, điểm nhấn thường có đầy đủ cả ba phần. Các chủ thể trong tranh được đặt chồng lên nhau giữa các phần. Đối với các tranh phong cảnh, đa phần người ta sẽ tập trung cho phần trung cảnh, hậu cảnh và ít nhất cho tiền cảnh, thường tiền cảnh sẽ được dùng để dẫn dắt đến điểm nhấn ở hai khu vực còn lại. Sự lựa chọn tạo mờ ở khu vực hậu cảnh nơi nhà thờ, màu sắc ở tiền cảnh ấm, trong khi đó hậu cảnh nhạt nhòa hơn và lạnh hơn. Việc mô tả cái cây ở tiền cảnh lớn và nét đậm hơn so với tòa lâu đài là một ví dụ khác cho sự khác biệt giữa ba phần.
III/ Về sao chép tranh và kích thước
Chúng ta đều biết một bức tranh gốc (original painting) trên thế giới “rất có giá trị” vì là sản phẩm trí tuệ duy nhất của người họa sỹ, thường được trưng bày và bảo quản ở các bảo tàng. Bức ảnh tôi trích ở phía trên là một dạng sao chép, tranh chụp. kể cả các tấm poster, postcard,.. Giá cả sẽ rẻ hơn rất nhiều và phổ cập đại chúng hơn. Các sản phẩm sao in thường có kích thước nhỏ hơn so với tranh gốc. Hiện nay, nếu muốn sở hữu một phiên bản sơn dầu hoặc màu nước với giá cả hợp lí để treo trong nhà của Tô Ngọc Vân, Van Gogh, Tề Bạch Thạch, Claude Monet.. thì không thể không kể đến con đường Trần Phú (Đoạn một chiều-Quận 5) hay trên Nguyễn Văn Trỗi (Đoạn chạy ra sân bay TSN-Quận 3). Cá nhân tôi không có ý kiến phản đối về công việc sao chép tạo hình này, vì mục đích phổ biến các tác phẩm nghệ thuật đến với công chúng, chỉ khi nếu nó được quản lý có hiệu quả, quy định chế tài rõ ràng nhằm bảo vệ tranh gốc và quyền tác giả, sự sáng tạo, công sức, mồ hôi của họa sỹ. Nhưng thực tế hiện nay việc sao chép tràn lan và công khai. Thật đáng phê phán. Tranh giả đang là một vấn nạn đối với mĩ thuật hiện nay, không chỉ của Việt Nam mà còn cả thế giới. Chưa kể mang tính chất lừa đảo trong thị trường mĩ thuật, mang nỗi thất vọng lớn cho nhà sưu tập hay người yêu thích mĩ thuật thực thụ khi chính họ phát hiện bản thân bị lừa mà còn là nguy cơ hủy hoại các tác phẩm chính tông. 
Cũng như nội dung, phong cách, kích thước của chúng cũng rất đa dạng, đến nỗi khó có thể tưởng tượng được. Bức họa “Bathers at Asnières” (tạm dịch Những người đi tắm ở Asnières) do Georges Seurat, một họa sỹ điển hình của trường phái tân ấn tượng (Neo-impressionnism) vẽ năm 1884 bằng chất liệu sơn dầu. Bức hình trông thật vừa vặn với khuôn của bài viết, tuy nhiên thực tế họa sỹ đã truyền đạt khả năng hội họa tài năng của mình trên khung tranh 2.0 x 3.0 m, thật kinh ngạc!
Họa sỹ đang cố gắng miêu tả chân thực cảnh sinh hoạt của một số người dân Paris đang bơi lội và tắm nắng tại vùng ngoại ô thuộc Ile-de-France, ngay sông Seine (nay gọi là Asnières-sur-Seine). Hiệu ứng ánh sáng ở ngoài trời của không khí, mặt trời và cách phối trộn màu mang nét đặc trưng của họa sỹ, khi cố gắng miêu tả chính xác màu sắc thực tế và điểm họa từng chi tiết nhỏ nhặt. Về cách phối màu đánh lừa thị giác, về bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp tại Pháp cuối thế kỉ XIX, tôi sẽ nói thêm về những thông tin này trong một bài viết kế tiếp. Đây là một bức tranh rất hay của Seurat.
Tranh hiện được trưng bày tại nhà Triển lãm Quốc gia (The National Gallery), Luân Đôn (Anh quốc).
ngamtranhp2-5
IV/ Cách làm kính ngắm (view-finder):
Đôi khi bạn chỉ muốn tập trung quan sát một vài chi tiết chính trong một bức hình phức tạp, và kính ngắm sẽ giúp bạn làm việc đó. Tôi nghĩ bạn nào từng học các lớp mĩ thuật hay chụp bằng máy ảnh DSLR thì sẽ biết rõ view-finder. 
Khi sử dụng bạn có thể tự điều chỉnh 2 thanh L để tập trung vào mục tiêu hay không.
ngamtranhp2-6
ngamtranhp2-7

Ngắm tranh – Mỗi bức tranh, mỗi câu chuyện 

Mỗi tác phẩm hội họa, dù theo trường phái nào, đều có những ý nghĩa nhất định và cả những câu chuyện liên quan, ẩn giấu phía sau. Khi thưởng thức một tác phẩm hội họa, để hiểu một cách thấu đáo và thêm nữa những rung động chân thực, tôi nghĩ bản thân chúng ta cũng nên tự tìm hiểu những câu chuyện, bối cảnh lịch sử đã tác động đến nội dung và phong cách mĩ thuật của họa sỹ ngay thời điểm ấy.
I/ Câu chuyện về đóa hồng chết chóc
The Physicians’ duel (31.5 x 19.8 cm), được vẽ bởi Aqa Mirak, 1539-1543.
Nhà vua là người mặc áo xanh lục đang ngồi trên ngai dưới bóng mát của lọng che, xung quanh ngài các quần thần. Bối cảnh đang diễn ra trong khuôn viên vườn thượng uyển. Mọi người có vẻ đang tập trung nhìn người đàn ông nằm co tay chết trên sàn. Ta hãy chú ý đến chi tiết tấm khăn rằn quấn đầu màu trắng rơi gần, bên cạnh đó là một bông hồng. Trong tình huống như vậy lại có hình ảnh người đàn ông đang đứng mặc đồ xanh nước biển nở nụ cười toe toét “một cách độc ác”. Những người còn lại trông thật sửng sốt, bàn tán xôn xao trước cảnh tượng này. Đó là những kết luận ta có thể rút ra khi quan sát tổng thể sự việc được mô tả trong bức họa, chứ chưa thể khẳng định đó là sự thật, dù có cố gắng đến cách mấy. Hay ở chỗ thực ra bức tiểu họa này được dùng làm hình ảnh minh họa cho một quyển sách và được vẽ cách đây 400 năm tại Ba Tư (Persia-hiện nay là Iran). Để hiểu rõ hơn tôi sẽ kể các bạn nghe câu chuyện ẩn giấu đằng sau.
“Ngày xửa ngày xưa, cách đây vài trăm năm, vào thời các Sultan đang cai trị đế chế hùng mạnh, có hai y sĩ (doctor-ND) tranh tài xem ai là người giỏi hơn. Một người trong hai, người ta có khi gọi là thầy thuốc, đã bào chế từ rất nhiều thành phần khác nhau một viên thuốc gây chết người bằng cách gây ra cơn đau dạ dày khủng khiếp đủ để cướp đi sinh mạng. Hắn ta đã thách thức đối thủ của mình dùng nó. Y sĩ còn lại đã chấp nhận thử thách và nuốt viên thuốc không ngần ngại. Thực ra anh ta đã nuốt trước một viên thần dược khác và kết quả viên thuốc độc mất tác dụng, anh vẫn vô sự. 
Nhà vua (vì thực ra tôi chẳng biết dùng danh xưng nào cho phù hợp, vua, đế, vương khác nhau, hiện nay vấn đề dịch từ Sultan vẫn còn tranh cãi nhưng vì đa phần mọi người đều đã dùng từ vua) và các quần thần háo hức chứng kiến tận mắt sự việc rằng người y sĩ sau khi nuốt viên thuốc đã tự đi hái bông hoa hồng ở trong vườn thượng uyển. Rồi anh hôn lên những cánh hoa, niệm chú vào lòng bông hoa và sau đó trao tặng lại cho đối thủ. Khi đưa đóa hoa hồng lên gần đôi môi mình, hắn ta ngay lập tức ngã lăn ra chết. Kết quả chàng y sĩ “láu cá” đã chiến thắng.”
Bức tranh là một phân cảnh được họa sỹ Aqa Mirak chọn làm bìa minh họa cho một quyển sách kể về câu chuyện đó. Mirak muốn làm hài lòng đức vua của mình, Shah Tahmasp of Tabriz, nên đã vẽ vua đang ngồi trong tranh giống với hình ảnh Shah ngoài đời thật. Ở Ba Tư, người ta thường ngồi trên thảm thay vì dùng ghế (các bạn nhớ phim Aladdin và cây đèn thần chứ). Thực ra, Mirak còn muốn Shad Tahmasp vui thú ngắm nhìn hình ảnh bầy vịt bơi lội trong ao (phía dưới cùng của bức họa), chiêm ngưỡng những viên đá lát sàn tuyệt đẹp, những bông hoa trong vườn và con ngựa của người lữ hành ở đằng xa (góc trái trên cùng). Chúng ta không thể nào nhìn thấy các chi tiết đó bằng một lần, nếu chỉ tập trung nhìn vào nội dung chính đang diễn ra. Aqa Mirak quan tâm việc đưa hết tất cả những điều đó vào trong tranh hơn là lo lắng quá nhiều về quy luật phối cảnh. Hãy tưởng tượng khi nhà vua giở từng trang của quyển sách bìa da trang trí bằng vàng, ngài ấy sẽ mỉm cười hài lòng với vẻ đẹp của bức họa “The Physicians’s duel”. Về màu sắc các bạn thấy thế nào, đẹp và tươi không? Như thể ta đang ngắm một hộp trang sức vậy. Đúng vậy, sự rực rỡ của bức tranh được tạo từ các loại đá quý và kim loại đắt tiền. Màu xanh ngọc của hình ảnh chiếc áo vị vua có thể được tô bằng đá malachite sau khi được nghiền nhuyễn rồi đem trộn với keo dính. Ngoài ra, vàng, bạc được dát mỏng cũng dùng làm nguyên liệu trong tranh. Các kim loại ấy đã góp phần tạo nên món quà thật xứng đáng dâng lên vua Shad.
II/ Chiến tranh và nỗi đau
Mục này nội dung sẽ dài hơn các phần thông thường một chút vì tôi sẽ thông tin thêm về ảnh hưởng của bối cảnh lịch sử đã tác động như thế nào đến nghệ thuật và về những hàm ý ẩn sau từng chi tiết trong tranh.
ngamtranhp2-2
Portrait of Spanish-born artist Pablo Picasso
(1881 – 1973) in a winter coat, scarf, and beret, 1950s.
(Photo by Hulton Archive/Getty Images)
Pablo Ruiz Picasso, thường gọi Pablo Picasso, là một họa sỹ và nhà điêu khắc người Tây Ban Nha (về tên thật và tiểu sử các bạn có thể tự tìm thêm trên mạng). Tên tuổi của ông chắc các bạn cũng đã từng nghe nhắc đến một lần trong đời. Ông là người mở đầu trường phái vẽ lập thể, khước từ các quy chuẩn của hội họa đương thời và cũng là người tiên phong trong điêu khắc ghép nối. Bên cạnh khả năng thiên phú, sự sáng tạo vô hạn và làm việc không ngơi nghỉ, cả thế giới còn biết đến ông như một chiến sĩ đấu tranh không mỏi cho hòa bình, tự do và tiến bộ xã hội. Ông đã dùng hội họa một phần thể hiện sự thương xót, sự căm phẫn đối với sự tàn ác của chiến tranh, sự bạo tàn của chế độ phát xít.
Bối cảnh lịch sử
Trước đấy từ năm 1936, Tây Ban Nha bị dằn xé bởi nội chiến vì những cuộc đấu tranh nhằm chống lại sự tranh giành quyền lực giữa phe chính phủ Cộng hòa và lực lượng quân phiệt Quốc gia của tướng độc tài Francisco Franco. Chính quyền Cộng hòa cánh tả Tây Ban Nha trước đó đã yêu cầu Picasso vẽ một bức tranh tường để tham gia vào triển lãm quốc tế tại Paris năm 1937. Ngày 26/4/1937, Guernica, một trị trấn nhỏ bình yên thuộc vùng Basque, trở thành mục tiêu của đợt ném bom do quân đoàn Legion Condor (6) theo yêu cầu của Franco với lí do nhằm thử hiệu quả của loại vũ khí mới được sản xuất. Sau ba giờ oanh tạc, ước tính hơn 1000 người thiệt mạng. Thực chất khi đó thị trấn Guernica chỉ gồm người già, phụ nữ và trẻ nhỏ, còn đàn ông thì đã gia nhập vào lực lượng kháng chiến chống lại sự đàn áp bạo tàn của Franco. Như vậy mục đích cuối cùng của cuộc thảm sát nhằm dập tắt niềm hi vọng và tinh thần đấu tranh của quân Cộng hòa. Đau đớn, căm phẫn trước nỗi đau mà người dân Tây Ban Nha phải gánh chịu, thay vì gò bó trong khuôn mẫu nghệ thuật thông thường theo phong cách phản chiến trước giờ, Pablo Picasso đã dành hết xúc cảm để bắt tay vào thể hiện một cách chân thực và mất hơn hai tháng cho ra đời tuyệt tác lịch sử này. 
Theo Picasso, “tranh vẽ không dùng để trang trí các tòa nhà, đó là một công cụ của chiến tranh, chiến và phản chiến, để chống lại kẻ thù”. Các tác phẩm của Picasso có thể không đơn thuần tái hiện sự kiện, vật thể được mô tả mà còn hàm chứa rất nhiều tầng lớp ý nghĩa phức tạp. Nhưng đó là tùy cảm nhận của mỗi người, cũng có thể ví như mỗi đánh giá chủ quan đối với tác phẩm văn học. Tôi xin trích dẫn nguyên văn lời một bài viết: [Bản thân Picasso chưa bao giờ quả quyết đưa ra một lời giải thích cụ thể về những biểu tượng của ông: “… con bò này là một con bò mộng và con ngựa kia là một con ngựa … Nếu ta gán một ý nghĩa cho những đối tượng nhất định nào đó trong các tác phẩm của tôi, nó có thể đúng, những nó không phải là ý tưởng của tôi … Những ý tưởng và thông điệp nào bạn có tôi cũng có, nhưng có khi chỉ là vô tình, theo bản năng mà thôi. Tôi vẽ là vẽ cho tác phẩm đó. Thực tế các đối tượng thế nào tôi vẽ chúng đúng như thế.”]   
Về bức họa Guernica
Sau đây tôi sẽ thông tin (sau khi đã tổng hợp) về những phân tích các chi tiết từ Guernica của Picasso. 
ngamtranhp2-3
gắn liền sự kiện lịch sử đau thương diễn ra tại thị trấn
cùng tên nằm ở tỉnh Basque, 
thuộc Tây Ban Nha.
Guernica là bức tranh sơn dầu, kích cỡ rất lớn 3,49 x 7,76 m. Sau khi được triển lãm lần đầu tiên tại Paris năm 1937, vì chiến tranh thế giới lần thứ hai và ảnh hưởng của nội chiến, tác phẩm này đã có thời gian lưu lạc tại nhiều nơi khác nhau như New York, Mỹ (bảo tàng nghệ thuật hiện đại), Brazil, Chicago, Philadelphia. Mãi đến 10/9/1981, sau ngần ấy năm khi đất nước Tây Ban Nha được giải phóng, trở thành quốc gia cộng hòa và chính trị ổn định hơn, Guernica chính thức được trao trả về Viện bảo tàng Padro tại Madrid.
+ Về màu sắc: gam xám, trắng và đen chiếm chủ đạo. Điều đó có thể tượng trưng cho cái chết và tang thương bao trùm lên Guernica lúc bấy giờ. Cũng có suy nghĩ cho rằng Picasso cảm thấy những màu sắc trên là đủ đẹp về mặt nghệ thuật, chí ít phù hợp với các chủ đề mang tính chất nghiêm trọng. Sự tương phản về quang độ (độ đậm-nhạt) được chú trọng và làm lu mờ đi ảnh hưởng của các khối và hình dạng trong bức họa, dụng ý đó đã góp phần sắp xếp bố cục của tác phẩm. Mặc dù ta dễ cảm thấy bức tranh thật lộn xộn, hỗn loạn khi mới nhìn lần đầu vì những khối hình chồng lẫn lên nhau, đôi khi ta còn có cảm giác âm thanh chết chóc: tiếng gào thét, la hét và rên rỉ, nhưng thực ra bức họa đã được chăm chút một cách tỉ mỉ và có bố cục hẳn hoi. Thật vậy, đầu tiên ta kẻ dọc bức tranh chia làm 3 phần từ trái sang phải. Tiếp đó là kẻ hai đường xiên tạo hình tam giác theo hai đường chéo dọc theo những hình khối mà Picasso đã thể hiện. Ở dưới đáy hình tam giác, cái chết được thể hiện qua hình ảnh người lính ngã xuống dưới chân con ngựa, còn ở trên đỉnh tháp ngọn đèn dầu leo lét như niềm hi vọng đang cháy lên trong bối cảnh tuyệt vọng, trong những u uất của chiến tranh.
ngamtranhp2-4
Cách chia bố cục như hình trên được tham khảo qua tài liệu trên Internet
+ Về những hình tượng: tất cả những nhận định sau tôi nghĩ là hợp lí nhất khi đem ra phân tích 
–  Những con vật:
Hình ảnh con ngựa nằm ở trung tâm bức họa, như đại diện cho người dân, đang đau đớn cho đến chết vì ngọn giáo đâm xuyên cạnh sườn. Đầu ngoảnh lại, miệng như đang rống lên, răng, lưỡi sắc nhọn được mô tả rất chân thực, tư thế khụy chân như thể con ngựa chỉ còn những hơi thở cuối cùng. Qua đó ta có thể cảm nhận hình ảnh nhân dân đang gồng mình chống chọi sự tổn thương thể xác gây ra do bạo lực chiến tranh vô nghĩa. Còn có nhận định cho rằng đó là tiên đoán của Picasso về sự kết thúc của chủ nghĩa dân tộc, đại diện cho sự hung bạo, dũng mãnh, dưới sự dẫn dắt của tướng độc tài Francisco Franco.
ngamtranhp2-5
Tôi xin lỗi vì đã cắt một cách xấu xí hình ảnh con bò ra khỏi bức tranh tổng thể, tự bản thân tôi cũng thấy khá thô tục. Hình ảnh Minotaur, một quái vật nửa người nửa bò mộng trong thần thoại Hy Lạp là một mô típ chính trong các tác phẩm của Picasso. Nổi bật giữa sự hỗn loạn, hình ảnh con bò, một loại gia súc với đôi mắt đầy “tính người” đứng một cách bất động, hàm đang hé mở biểu cảm dường như làm bất động người xem. Cho đến hiện nay, ý nghĩa của con bò trong Guernica vẫn còn mập mờ, một số ý kiến cho rằng đây là biểu tượng của thú tính và sự tàn ác, ngầm ý đại diện cho chế độ phát xít bạo tàn. Nhưng cũng có quan điểm thể hiện sự kháng cự yếu ớt của người dân khi đó. Cũng cần nhớ thêm hình ảnh đấu sĩ và bò tót được xem như một biểu tượng của nước Tây Ban Nha, là biểu tượng của dũng khí và những giá trị truyền thống lâu đời của quê hương Picasso.
ngamtranhp2-6
Sử dụng súc vật làm trọng tâm, bò tót và ngựa vừa đại diện cho sự sung mãn, vừa cho tính thú hoang dã chưa thuần hóa ở bên trong mỗi người. Bởi vì những hành động man rợ diễn ra trong chiến tranh đã lấn át đi lí trí và phần người bên trong, dường như đó chỉ là cuộc đua, cuộc đấu giữa những con thú vật lao vào cắn xé lẫn nhau để tranh giành quyền lực.
ngamtranhp2-7
Nói tin này các bạn có thể bất ngờ nhưng hình ảnh chim bồ câu trắng ngậm cành lá đại diện cho hòa bình, hi vọng được phổ biến như ngày nay do công thuộc về Pablo Picasso. Năm 1949, Louis Aragon đã chọn tranh thạch bản (lithograph) La Colombe (The Dove) của ông làm affiche biểu trưng tại Hội nghị Hòa Bình thế giới ở Paris. Xuất hiện một cách mờ nhạt trên nền tối sầm nằm giữa con ngựa và con bò, chim bồ câu Guernica há rộng mỏ, ngước lên trời như đang ai oán, khác hẳn với những hình ảnh bồ câu trong sáng, hiền dịu ta thường thấy trong các bức họa khác của Picasso. 
–  Những xúc cảm của nhân loại:
Trong Guernica, hình ảnh con người xuất hiện đầy yếu đuối và tang thương. Những gương mặt với miệng há toang ra như đang kêu gào về những ai oán, thảm thiết vì kinh khiếp, đau khổ và sợ hãi.
ngamtranhp2-8
ngamtranhp2-8b
Người lính gục ngã dưới chân con ngựa với thân thể bị cắt rời. Một tay vẫn nắm thật chặt đoạn kiếm sứt mẻ như không bao giờ gục ngã, không từ bỏ ý chí. Đây chính là hình ảnh đại diện cho cuộc chiến, cho những người lính xông pha trận mạc, để rồi chết không nhắm mắt mà nhìn thẳng vào nội tâm của người xem tranh và thời cuộc. Tuy nhiên từ cánh tay chết chóc ấy lại nảy nở hi vọng, sự hồi sinh mong manh mà Picasso gửi gắm thông điệp qua hình ảnh bông hoa, nhỏ nhắn với đường viền và nét vẽ mờ nhạt.
ngamtranhp2-9a
Khi nhìn lần đầu tiên hình ảnh người mẹ bồng đứa con đã chết, ta dễ liên tưởng đến Pietà của Michelangelo, một tuyệt tác điêu khắc mô tả cảnh Đức Mẹ đồng trinh ôm xác chúa Jesu với tất cả tình yêu thương bao la rộng lớn của người mẹ sẵn sàng che chở cho con. Khác với nỗi đau của Đức Mẹ là nỗi đau của thần thánh, không thể khóc thành lời mà phải kìm nén sâu thẳm trong lòng thì ở Picasso, ông đã lột tả chân thực nhất nỗi uất ức, mất mát của người mẹ bình thường trước sự ra đi oan ức của con mình. Đôi mắt, lỗ mũi có hình dạng của những giọt nước mắt, chiếc lưỡi nhọn cùng với tư thế ngửa mặt lên như muốn trút hết đến tận trời cao những thống khổ mà chiến tranh không bao giờ hiểu được.
ngamtranhp2-10
Hình ảnh người phụ nữ kinh hãi giơ tay như xin hàng làm ta nghĩ ngay đến những phiến quân Tây Ban Nha trong bức họa El 3 de mayo en Madrid (ngày 03 tháng 05 tại Madrid). Họ bị bắt và bị tàn sát bởi lính Pháp để trả đũa cho các cuộc khởi nghĩa ngày 02/05/1808 chống lại sự xâm lược của Napoleon. Một tinh thần tử vì đạo.
ngamtranhp2-11
Từ cửa sổ, người phụ nữ với cánh tay, đầu thon và tóp như thể đang vươn dài về phía trung tâm, còn trên tay cầm ngọn đèn dầu nhỏ mang biểu tượng của hi vọng. Hình ảnh gây cảm giác như người phụ nữ bằng mọi giá vượt khỏi khu nhà đổ nát, dù hốt hoảng nhưng vẫn cố gắng cứu ngọn đèn này, để thắp sáng cái tối tăm, đau đớn ở trung tâm.
ngamtranhp2-12
Cuối cùng ở góc dưới bên phải, một phụ nữ có tư thế rướn người, khụy gối gần như sát mặt đất. Toàn bộ cơ thể, nhưng đặc biệt là khuôn mặt và cổ kéo dài cho ta cảm giác người này hoàn toàn muốn vươn người về phía ánh đèn, về nơi có ánh sáng heo hắt.
Ngựa hấp hối, nỗi ai oán và đau thương từ nỗi mất con, sự chết chóc của người lính, toàn thể bức họa đã lột tả được sự giận dữ, buồn bực của Picasso trước sự kiện Guernica. Nếu các bạn đã từng xem những thước phim về chiến tranh hay đọc thêm các tư liệu lịch sử thì các bạn dễ cảm nhận được Guernica đang muốn nói gì, và đó cũng là lí do Guernica được nhiều người biết đến. Là con người ai cũng có thể hiểu được những mất mát do các cuộc chiến tranh vô nghĩa gây ra, chứ không chỉ có tính chất anh hùng, quả cảm, thắng lợi như những thần thoại, sử thi đã kể.
Nghệ thuật ngắm tranh (Phần 2b)
III/ Lễ kỉ niệm kép
Annunciazione con sant’Emidio (The Annunciation, with Saint Emidius) (2.07 x 1.46 m) do họa sĩ người Ý Carlo Crivelli vẽ năm 1486.
Tranh hiện được trưng bày tại nhà Triển lãm Quốc gia (The National Gallery), Luân Đôn (Anh quốc).
Mới nhìn lướt qua ta dễ cho rằng bức họa này, tạm dịch “Truyền tin với thánh Emidius”, thật phức tạp vì khó có thể hiểu được mối liên hệ giữa các chi tiết. Quả thực vậy, người nghệ sĩ tài ba đã lồng ghép hai câu chuyện đặc biệt vào nhau và phần nào được hé lộ qua tên tranh. Tất cả đều liên quan đến tôn giáo.
Annunciation
Câu chuyện thứ nhất mà họa sĩ muốn kể là về nguồn gốc ra đời của ngày Lễ truyền tin trong Kinh thánh. Annunciation (Lễ truyền tin), là cách dùng từ khác thay cho “news” (tin tức) hoặc “announcement” (thông cáo). Theo đó, tổng lãnh thiên thần Gabriel đến gặp trinh nữ Mary (Maria), nói rằng cô được Chúa trời lựa chọn sẽ thụ thai của ngài và hạ sinh một người con trai, đặt tên Jesu. Trong nửa hình phía dưới, người mang đôi cánh là sứ thần Gabriel, mang dáng vẻ bận rộn và hướng về phía cô gái đang đọc kinh nguyện trong ngôi nhà, Đức mẹ đồng trinh Mary.
Tuy vậy, khung cảnh xung quanh dường như không mô tả Palestine, một quốc gia vùng Trung Đông, nơi Mary sinh sống. Thay vì nóng bức và đầy bụi, ở đây con đường lát đá sạch sẽ, những chậu hoa xanh tươi, những bộ quần áo lụa là, những chi tiết trang trí nhà cửa trông thật đắt tiền, cứ như thể sự việc đang diễn ra tại thời gian và ở địa điểm khác. Ngoài ra ai là nhân vật đứng kế bên và làm phiền một thiên thần đang làm nhiệm vụ cực kì quan trọng như vậy? Câu chuyện thứ hai được bắt đầu kể từ đây, liên quan đến phần còn lại của tên tranh, thánh Emidius.
Thánh Emidius và Ascoli
Năm 1482, dưới thời Giáo hội đóng vai trò quan trọng trong triều chính, Ascoli, một trị trấn nhỏ của Italy (Ý) đã được Giáo hoàng bấy giờ Sixtus IV trao cho quyền tự trị. Tin tức về tự chủ được truyền đến người dân vào 25/3, trùng với ngày Lễ truyền tin. Bốn năm sau, bức tranh này được vẽ và đặt vào nhà thờ SS. Annuziata ở Ascoli để kỉ niệm sự kiện độc lập đặc biệt đó. Bức ảnh mang tính chất kỉ niệm hơn là thờ nguyện. Màu sắc rực rỡ, tươi tắn cũng phần nào thể hiện niềm hân hoan, dù thực tế đây cũng là phong cách thường tìm thấy ở tranh của Carlo Crivelli. Tuy nhiên cũng thật tiếc cho Ascoli vì thời gian tự trị khá ngắn ngủi, Giáo hoàng đã sớm trở lại tiếp quản. Tiếp tục quan sát vào tranh để xem họa sĩ Carlo Crivelli đã liên kết hai câu chuyện đặc biệt như thế nào. Thánh Emidius, vị thánh bảo hộ cho thành phố Ascoli, theo kinh thánh chịu tử đạo ở 303 bởi người ngoại đạo những người phản đối ông đập thần tượng của họ. Hiện nay di tích của ông vẫn còn được lưu giữ ở Ascoli. Emidius vừa đi bên cạnh sứ thần Gabriel, vừa ôm mô hình thu nhỏ của Ascoli trong tay như thể muốn nói rằng “Hãy nhìn thị trấn này đi. Chúng tôi vô cùng tự hào về nó”.
Thị trấn trong lòng thị trấn
Mô hình trên tay Emidius đã lột tả được sự hùng cường của thị trấn Ascoli đến nhường nào. Hãy nhìn tháp phòng thủ cùng với cánh cổng thật mạnh mẽ được bao quanh bởi thành trì vững chắc (so với các ảnh chụp ngày nay thì cấu trúc nhà, mái ngói, gạch cũng có nhiều nét tương đồng). Crivelli còn tài tình thể hiện khả năng vẽ phối cảnh với cách lựa chọn đậm, nhạt, các đường xiên. Các chi tiết được chăm chút như cửa sổ, cửa ra vào, các đường dọc, màu sắc của gạch tường, đường kẻ, hoa văn trên mái ngói.
ngamtranhp2b-2
Annunciazione con sant’Emidio (hình cắt)
Học hỏi từ quá khứ
Bức họa của Crivelli so với hiện nay đã trở nên cổ và mang tính lịch sử, tuy nhiên nhờ nó ta biết thêm về trang phục, nội thất và những khu nhà Italy thế kỉ XV trông chúng như thế nào. Những người dân mặc thường phục ra đường nghe tin mừng. Trinh nữ Mary trông giống quý tộc của Escoli khi ở trong ngôi nhà có vẻ sang trọng, bận chiếc đầm dễ thương với các nếp gấp, đường nét uốn lượn uyển chuyển, khéo léo. Đứng ở góc phải dựa vào trang phục ta có thể đoán được đây là Pope và các giám mục (Bishop) của Ascoli. Những người lớn thì có vẻ tấp nập, còn đứa trẻ nhỏ ngay cạnh Pope, với con mắt ngây thơ có vẻ chán nản với cuộc trò chuyện của người lớn. Từ lúc máy ảnh còn chưa được phát minh cho đến 100 năm về trước thì vai trò của tranh vẽ sẽ giúp ta khám phá nhiều điều của quá khứ.
ngamtranhp2b-3a
ngamtranhp2b-3b
Thiết kế các chi tiết
Carlo Crivelli chắc hẳn rất thích vẽ các hoa văn. Trước khi chú ý đến con người, ta nên tập trung ngắm nhìn các tiểu tiết của những khu nhà. Hãy chú ý cách trang trí cây cột, tầng một ban công nhà Mary, rèm cửa, thảm lót sàn đang vắt ngang, trang phục, cách đổ bóng và cả cây cầu nằm xa xa kia nữa. Còn nhiều và nhiều nét đẹp tinh tế nho nhỏ khác.
ngamtranhp2b-4a
ngamtranhp2b-4b
ngamtranhp2b-4c
ngamtranhp2b-4d
ngamtranhp2b-4e
ngamtranhp2b-4g
Crivelli còn muốn chứng minh khả năng của ông vào việc điểm xuyết hình ảnh con công thật kiêu sa, con chim kim oanh trong lồng, mái tóc được chải chuốt thật kĩ và mềm mại của Mary. Riêng quả táo và dưa chuột nằm trên thềm nhà tôi không hiểu lắm, có ý kiến cho rằng táo đại diện cho Eve, còn dưa chuột thì… tôi không rõ?
Có một vấn đề trong bức họa, hình ảnh quầng sáng đang rọi một tia nắng (hay tia năng lượng) xuyên qua conchim trắng đang tỏa hào quang về phía đầu của Mary. Thật sự tôi không biết về hình tượng này, nhưng khi tìm hiểu thử qua Internet thì các nguồn ở Việt Nam (chắc dịch từ báo nước ngoài) chỉ đăng mỗi một tin cho rằng quầng sáng trên không trung đại diện cho UFO (vật thể bay không xác định) ???
Đôi điều về tác giả: Carlo Crivelli là một họa sĩ người Ý thời Phục hưng (Renaissance), ông chọn vẽ các đề tài tôn giáo và luôn chú trọng hình thức, thể hiện niềm đam mê hội họa vào sự hoàn hảo đến mức chi li vào từng tác phẩm. Theo encyclopedia britannica“Mặc dù những kiểu hình ông vẽ mang tính cổ điển, hiện thực và các thành phần có tính chất đối xứng theo quy ước của hội họa thời Phục hưng, nhưng cách xử lí tất cả chúng của ông theo hướng biến đổi những quy định đó đưa vào xúc cảm cá nhân sao cho vừa gợi cảm vừa mang tinh thần Gothic mạnh mẽ… Đôi khi có sự diễn đạt quá mức của xúc cảm trên khuôn mặt các nhân vật của ông, họ thường trầm ngâm và mơ mộng nhưng đôi khi bị bóp méo với nỗi sầu khổ. Đối với những cử chỉ lịch thiệp của bàn tay thon thả và hình ảnh ngón tay ngoằn ngoèo của họ; sự thể hiện này gần gũi với cường độ tôn giáo của nghệ thuật Gothic hơn là chủ nghĩa duy lí bình tĩnh của thời Phục hưng” (4).
IV/ Một ngày hè uể oải
Như trong phần 1 tôi có đề cập đến bức họa “Bathers at Asnières” của Georges Seurat. Ấn tượng đầu tiên đối với người sáng lập trường phái tân ấn tượng (Neo-impressionnism) là kích thước “đồ sộ” của Bathers at Asnières, một trong những tác phẩm đặc trưng cho kĩ thuật vẽ mới của ông.
Mô tả nội dung
Bạn có thể tưởng tượng được sự oi bức của một ngày hè nóng nhất như thế nào không? Hãy nhìn vào tranh và cảm nhận nó. Hình ảnh mờ mịt, không rõ nét và bầu trời ngột ngạt càng nhấn mạnh vẻ mệt nhọc cả ngày. Gần nhất là bảy thanh niên (chưa kể thêm con chó màu nâu): người mặc đồ, người kia cởi trần, người nằm thư giãn, xải lai trên cỏ xanh còn kẻ nọ ngâm mình xuống dòng nước mát hay ngồi thẩn thơ. Xa xa vài người khác đang ra sức chèo thuyền, lướt thuyền buồm và đẩy thuyền. Cậu nhóc mang nón cam góc phải có thể đang thổi sáo (whistling) hoặc gọi bạn. Nhưng tất cả các hoạt động diễn biến thật chậm rãi. Ngoài ra, ta không thể nhìn thấy được chi tiết trên khuôn mặt hay trang phục của các nhân vật, họ có vẻ mệt mỏi và vẫn đang ngủ gà ngủ gật dưới nắng. Không hề có chi tiết nào rõ ràng trong tranh, mọi thứ trông thật mù mờ. Tuy nhiên cũng cần lưu ý bóng vẫn đổ ra đường, những hạt nắng vẫn nhảy múa trên các cây và mặt nước long lanh những gợn nắng. Từ đằng xa, đám khói đen nghịt mang cảm giác khó thở tỏa ra từ các ống khói nhà máy. Bối cảnh diễn ra trông thật tĩnh mịch, bình yên.
Người nghệ sĩ trẻ táo bạo
Georges Seurat sáng tác “Bathers at Asnières” vào năm 24 tuổi. Thời ấy đa phần chủ đề của các tranh vẽ nổi tiếng đều xoay quanh lịch sử của chúa, nữ thần, hay nhiều cảnh tuyệt vời khác. Nhưng Seurat đã có một quyết định khác biệt: ông đã vẽ một bức họa rất lớn về những con người bình thường, mà kích cỡ họ trong tranh giống với ngoài đời thật.
Để lấy cảm giác về không khí của một ngày nóng bức, Seurat đã đến tận Asnières (vùng ngoại ô công nghiệp Paris), chọn vị trí cạnh dòng sông Seine rồi phác họa màu sắc cảnh trí. Khi quay trở về xưởng làm việc, ông vẽ chì những con người trong tranh. Cũng giống như đạo diễn một sân khấu lớn, đầu tiên ông vẽ khung cảnh, sau đó sắp đặt các nhân vật vào trong.
Những bước tiến mới của sắc màu
+ Bối cảnh lịch sử:
Tôi xin dịch sơ lược về hoàn cảnh lịch sử đã ảnh hưởng và tác động đến phong cách vẽ tranh của Georges Seurat. Theo encyclopedia britannica, Seurat sinh năm 1859 và chết rất trẻ, khi chưa tròn 31 tuổi.
[Năm 1878, ông chính thức nhập học trường École des Beaux-Arts và theo sự hướng dẫn của Henri Lehmann, một họa sĩ chuyên vẽ tranh chân dung và khỏa thân cổ điển. Trong thư viện trường, ông đã phát hiện ra một quyển sách đã truyền cảm hứng cho những ngày còn lại của cuộc sống: Essai sur les Signes inconditionnels de l’art (1827, “Tiểu luận về các dấu hiệu không nhầm lẫn của nghệ thuật”), viết bởi Humbert de Superville, một họa sĩ, nhà điêu khắc người Geneva (Genève, Thụy Sĩ), nó đã giúp ông giải quyết những khóa học về thẩm mĩ trong tương lai và mối liên hệ giữa đường nét (lines) với màu sắc hình ảnh. Seurat cũng bị ấn tượng bởi công việc/tác phẩm của David Shutter, “một chuyên gia thẩm mĩ khác của Geneva”, người kết hợp toán học và âm nhạc. Trong suốt sự nghiệp ngắn ngủi của mình, Seurat thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với những cơ sở tri thức và khoa học của nghệ thuật. Năm 1879, ở tuổi 20, Seurat đến Brest để thực hiện nghĩa vụ quân sự. Tại đó, ông đã vẽ thuyền, bãi cát, biển và những thủy thủ. Khi trở về Paris vào mùa thu năm sau, ông và Édmond-François Aman-Jean, bạn học cùng niên khóa đã mở một xưởng vẽ… Cả hai thường lui tới vũ trường, hộp đêm vào buổi tối, và vào mùa xuân họ cùng nhau đến đảo La Grande Jatte, nơi bắt đầu những bức vẽ mới của Seurat trong tương lai.
Năm 1883, Seurat thực hiện triển lãm đầu tiên tại Salon officiel-nơi nhà nước tài trợ hằng năm. Ông trưng bày các chân dung của mẹ mình và Aman-Jean. Trong cùng năm đó ông bắt đầu nghiên cứu, cho ra đời những phác thảo, các tấm panels cho Bathers at Asnières (tên tiếng Pháp Une baignade, Asnières). Khi bức họa này bị từ chối bởi ban giám khảo của Salon năm 1884, Seurat đã quyết định tham gia vào “Nhóm những nghệ sĩ độc lập” (Groupe des Artistes Indépendants), một hội “nói không với giám khảo và giải thưởng”, cũng là nơi ông triển lãm tác phẩm Bathers at Asnières vào tháng 6 (Salon des Indépendants).
Trong thời gian này, ông đã nhìn thấy và bị ảnh hưởng mạnh bởi những tác phẩm đầy tính biểu tượng lớn lao của Puvis de Chavannes. Ông cũng đã gặp nhà hóa học 100 tuổi Michel-Eugène Chevreul, thử nghiệm với các lý thuyết của Chevreul về các vòng tròn màu sắc của ánh sáng; tiếp đó nghiên cứu những hiệu quả có thể thu được bằng ba màu cơ bản gồm vàng, đỏ, xanh dương và những bổ sung của chúng. Seurat chấp nhận Paul Signac, người sau này trở thành đệ tử của ông (disciple) và vẽ nhiều bản phác thảo thô trên bảng nhỏ để chuẩn bị cho kiệt tác của mình, A Sunday on La Grande Jatte-1884 (tên tiếng Pháp Un dimanche après-midi à la Grande Jatte). Tháng 12 năm 1884, ông triển lãm bức họa Bathers at Asnières một lần nữa, với Hiệp hội những nghệ sĩ độc lập (Société des Artistes Indépendents), nơi có những ảnh hưởng to lớn trong sự phát triển của nghệ thuật hiện đại (modern art)]. 
Như vậy, với quan điểm cho rằng nghệ thuật phải dựa trên một hệ thống những cơ sở tri thức và khoa học, ông áp dụng các quan niệm trường phái Ấn tượng (Impressionism) theo những công thức đặc biệt. Seurat đã sáng tạo một phương pháp, mà ông gọi là hội họa quang học (có người gọi là kĩ thuật điểm màu) với kĩ thuật vẽ đặt sát vô số chấm màu nhỏ cùng nhau sao cho mọi thứ thật hài hòa trong mắt người xem. Theo ông, việc sắp đặt một cách giản lược các chấm đó theo những hình thể rõ ràng có thể truyền tác dụng cộng hưởng của ánh sáng chính xác hơn cả những cách thức sử dụng trực giác. Phương pháp này dựa theo những lý thuyết mới về hiện tượng màu sắc ở thời đó (tiếp thu từ Chevreul). Bức tranh trở nên lung linh, sáng và mang vẻ tự nhiên, vì thế, kĩ thuật vẽ này có lẽ tạo thi vị nhiều hơn tập trung vào việc mô tả sát sao thực tại. Georges Seurat sử dụng phương pháp này rất có hệ thống và “khoa học”, sau này kĩ thuật vẽ này được phát triển thành Divisionism (trường phái phân điểm) và Pointillism (trường phái chấm điểm) (8), đã phân biệt nghệ thuật của ông với các cách tiếp cận trực quan với hội họa của những họa sĩ theo trường phái Ấn tượng. Dù sao những tranh vẽ tuyệt đẹp như Bathers at Asnières và A Sunday on La Grande Jatte đã thể hiện phần nào thành công của trường phái tân ấn tượng này.
+ Pointillism trong tác phẩm của Georges Seurat: 
Về bức họa Bathers at Asnières, ta hãy nhìn thật kĩ vào đám cỏ và thấy rằng họa sĩ Seurat đã dùng các nét chéo (criss-cross) với nhiều màu sắc khác nhau, cạnh màu xanh còn điểm xuyết thêm sắc đỏ và hồng. Ông còn vẽ các đường dày và mịn mô tả mặt nước bờ sông, còn có những nét xanh dương thẫm đi kèm. Bên cạnh những sắc tối thì các cơ quan màu sáng sẽ sáng hơn. Dường như cả cỏ và nước đang phản chiếu màu vàng ấm nóng của ánh mặt trời.
ngamtranhp2b-6a
ngamtranhp2b-6b
Hình ảnh cậu bé cởi trần đội mũ đỏ là minh chứng rõ nhất cho trường phái và cách phối màu tài tình này. Seurat áp dụng lý thuyết màu (theo Chevreul), thực hiện chấm từng điểm (hay đốm) màu: xanh dương và cam trên lưng cậu bé. Ngoài ra, cái mũ cậu đội màu đỏ, nhưng họa sĩ ta đã điểm thêm chấm vàng, xanh dương và cam. Ta sẽ không nhận thấy màu xanh trừ khi nhìn thật kĩ (các bạn có thể tự phóng đại hết cỡ). Thực ra màu xanh dương chính là thành phần bổ sung của màu cam, còn màu cam là trung gian giữa đỏ và vàng.
ngamtranhp2b-7
“Bánh xe”/Vòng tròn màu sắc. Ở đây từng cặp màu nằm tương phản với nhau. Các sắc xanh dương, xanh da trời tương phản với sắc cam.
Mỗi cặp màu tương phản được thể hiện trên “bánh xe” màu. Do thói quen của mắt khi nhìn vào một màu sẽ tạo một dư ảnh màu bổ sung của nó. Seurat đã dùng kĩ thuật này để làm cho các màu đỏ và cam của cái mũ sinh động hơn bằng cách làm mờ các điểm màu xanh dương (chấm lưa thưa). Ngoài ra việc tạo thành các màu cảm giác trung gian, ví dụ màu cam từ chấm đỏ và chấm vàng nằm thật gần nhau làm cho ta cảm giác chiếc mũ trông có vẻ đỏ nghiêng về cam hơn, đó chính là hiệu quả đặc trưng của Pointillism.
Nếu các bạn kiên nhẫn, ta có thể tự mình chấm thử vài nét lên một cái nón, nhớ là hãy chấm màu vàng và xanh dương thật gần nhau, màu xanh lá bỗng xuất hiện.
Về cảm quan cách thể hiện của Seurat với bối cảnh xảy ra vào thời kì cuộc cách mạng công nghiệp cuối thế kỉ XIX tại Pháp, tác giả Anh Nguyễn trên Soi có nêu: “Bức tranh là sự tương phản theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng – những người trong hai bức tranh nhìn về hai phía ngược nhau như phản chiếu qua gương vậy. Ngoài ra, sự thoải mái trong dáng điệu của những người lao động ở Asnieres cũng đối lập với sự cứng đờ của giới tiểu tư sản trên đảo La Grande Jatte. Trong bức Chiều chủ nhật (A Sunday on La Grande Jatte), Seurat còn kín đáo cài vào ngụ ý châm biếm – ví dụ người phụ nữ phục sức sang trọng, mặc váy độn mông, đi lại trịnh trọng ở góc phải bức tranh lại được vẽ cạnh một chú khỉ – từ lóng cho gái điếm trong tiếng Pháp. Ở bên trái, người phụ nữ mặc váy cam thả cần câu là một ẩn dụ cho việc “câu trai”. Bức tranh vẽ những người đi tắm không có những ẩn dụ như vậy, qua đó có thể thấy được sự cảm thông của Seurat với tầng lớp lao động và đối lập lại, sự coi thường của ông với giới trưởng giả”. 
ngamtranhp2b-8
A Sunday on La Grande Jatte (1884)-Georges Seurat
“Một ngày chủ nhật ở đảo la Grande Jatte”
www.wikiart.org
Tôi xin tiếp tục giai thoại của Georges Seurat để thay lời kết gửi đến người nghệ sĩ tài hoa nhưng đoản mệnh.
ngamtranhp2b-9
Georges-Pierre Seurat (1859-1891) www.nationalgallery.org.uk
“Như thể linh cảm về cái chết sắp xảy ra, bức họa Le Cirque dở dang được Seurat cho trưng bày tại Salon des Indépendants lần thứ 8. Là một thành viên tổ chức triển lãm, ông kiệt sức trong việc trình bày và treo các tác phẩm. Ông bắt gặp một cơn ớn lạnh, phát triển thành đau thắt ngực  và, trước khi triển lãm đã kết thúc, ông qua đời vào ngày chủ nhật Lễ Phục sinh năm 1891. Ngày hôm sau Madeleine Knobloch tại hội trường thị trấn của huyện tự giới thiệu để xác định mình như là mẹ của Pierre-Georges Seurat. Seurat được chôn trong hầm gia đình tại nghĩa trang Père Lachaise (một nghĩa trang rất nổi tiếng ở Pháp). Ngoài bảy tác phẩm “to lớn” của mình, ông để lại 40 bức tranh kích thước nhỏ hơn kèm các phác thảo, khoảng 500 bản vẽ, và một số phác thảo. Mặc dù khiêm tốn về số lượng, nhưng chúng cho thấy ông là một trong những họa sĩ hàng đầu của một trong những thời kì vĩ đại nhất trong lịch sử nghệ thuật”.
V/ Sinbad ra biển khơi
ngamtranhp2b-10
Sinbad the Sailor (chàng thủy thủ Sinbad) (38.1 x 50.8 cm)
vẽ vào năm 1923 bởi họa sĩ người Thụy Sĩ gốc Đức Paul Klee. 
Bức họa mô tả cảnh một người đánh cá nhỏ bé và ba con cá lớn từ biển cả. Bạn có nghĩ thật buồn cười khi ba con cá trông to đến nỗi có thể nuốt chửng cả chàng thủy thủ và chiếc thuyền không? Đây là một nhân vật khá kì lạ? Hãy nhìn vào những chiếc lông gai nhọn trên đầu và các đường zig-zag trên trang phục của anh ta. Con thuyền cũng vậy, kích thước quá nhỏ so với bất kì thuyền đánh cá bình thường nào. Hãy ngắm tất cả chúng được đặt giữa lòng đại dương của những ô vuông sắc màu như thế nào. Chẳng có đại dương nào trông như thế cả. Thực vậy, chẳng có chi tiết nào trong tranh giống đời thực. Bạn có thể tưởng tượng tại sao Paul Klee (phát âm là Clay) chọn cách vẽ như vậy không?
Một câu chuyện diệu kì 
Thủy thủ Sinbad là một nhân vật thần thoại và những truyện kể về anh mang đầy phép màu. Nhìn vào bức họa ta có thể nói Sinbad đang đâm con cá bằng lao móc, nhưng cả người và vật đều chẳng giống thật. Bởi vì Paul Klee đang mô tả một câu chuyện ngụ ngôn (10).
Tại sao họa sĩ cảm thấy vui vẻ?
Hãy nhìn vào ba con cá. Mặc dù kiểu khác nhau, nhưng những họa tiết của vảy phù hợp cho từng con. Còn hoa văn trên quần của chàng Sinbad lại xứng với những đường nét trên thân con tàu. Bạn có bao giờ nghe nói một người thủy thủ tự đi trang trí quần của mình sao cho hợp với con tàu chưa? (hài hước chỗ này)
Có lẽ Klee đơn giản muốn được vui vẻ khi tạo những thiết kế đầy màu sắc và hình dạng.
Những tấm bảng của sắc màu
Chú ý xem biển cả thay đổi màu sắc như thế nào khi ta dịch chuyển vị trí mắt nhìn từ ô vuông này sang ô khác. Klee đã đánh nhạt màu rất cẩn thận từ màu xanh thẳm (deep blues) và nâu cho đến màu xanh dương nhạt (light blues) và trắng ở trung tâm. Bằng cách này ông ấy đã gợi cảm giác sự dâng lên và hạ xuống của nước biển và màu sắc thay đổi theo như thế nào. Hãy nhìn theo các đường kẻ dọc những ô vuông để thấy chúng liên kết với họa tiết trên Sinbad, chiếc thuyền và các con cá làm sao. Giống như người họa sĩ đã chơi game với vải ca rô nhiều màu.
Người nghệ sĩ trầm tư
Đôi khi các bạn đánh giá bức họa của Paul Klee trông chẳng đứng đắn (kiểu nghiêm nghị), đúng không? Như thể vì ông vui thú khi vẽ các hoa văn đầy sắc màu. Tuy nhiên Klee cũng suy nghĩ một cách nghiêm túc về con người và tự nhiên. Ông tin rằng tất cả tạo hóa đều sinh sống cùng nhau trong một sự hài hòa cân bằng (harmony-ND trong âm nhạc còn có nghĩa là hòa âm). Đó là lí do giải thích tại sao ông xây dựng mọi thứ trong tranh theo một sự hài hòa nhất định về các đường kẻ/chi tiết hoa văn.
ngamtranhp2b-10b
Paul Klee (1879-1940)en.wikipedia.org
Sinh ra tại Thụy Sĩ nhưng lớn lên tại Đức trong một gia đình giàu truyền thống âm nhạc, bản thân ông vừa người chơi vĩ cầm vừa đam mê vẽ tranh. Vừa cố gắng đưa sự đồng điệu của âm nhạc vào hội họa, vừa chịu ảnh hưởng của nhiều trường phái lập thể, siêu thực,..
Điều đặc biệt có thể nhận thấy ở tranh của Klee là tính hài hước, sự lồng ghép màu sắc tài tình và các hình khối làm chủ đạo để thể hiện. Các tác phẩm về sau này mang hướng về trường phái siêu thực, nơi mỗi người xem mỗi cảm nhận. Ngoài ra ông cũng là một người yêu thi ca.
Theo sách, tác giả Frances Kennet còn hướng dẫn một trò chơi: đặt một tờ giấy can (tracing paper-tiếng Anh hay papier calque-tiếng Pháp, là loại giấy mờ có khả năng cho ánh sáng đi qua) đè lên một trong ba con cá, sau đó đồ theo các hoa văn trên thân nó, bạn sẽ thấy các họa tiết trông giống như một bộ xương cá nhỏ.
Vài chủ đề và sự khác biệt về phong cách 
I/ Mỗi người mỗi khác biệt
Bức họa dưới đây trông thật rực rỡ cùng với ánh sáng và các chuyển động nếu bạn ngắm nó với một mắt nhắm một mắt mở. Hãy nhìn đám cỏ như lấp lánh và đổi màu sắc như thế nào mỗi khi có cơn gió nhẹ lướt ngang qua?
Người nghệ sĩ, Claude Monet (phát âm Mon-nay tiếng Anh, Mô nê tiếng Pháp) đã bị mê hoặc bởi cách mà nắng mặt trời đổ trên cây cỏ và mặt nước. Ông ấy muốn ta thấy một ao bông súng trông như thế nào trong một ngày ấm áp. Monet đã không mô tả một cách cụ thể bất kì chi tiết nào, bạn không thể thấy rõ lá cây chỗ thảm cỏ, những cánh hoa hoặc cành cây. Nhưng bạn có thể thực sự cảm nhận được cây cỏ mọc lên thật tươi tốt, khỏe khoắn quanh bờ hồ và theo cách mà tia nắng nhảy múa trên mặt nước.
The Water-lily Pond (Ao súng) (88.3 x 93.1 cm) do họa sỹ người Pháp Claude Monet vẽ năm 1899, tranh sơn dầu.
Tranh hiện được trưng bày tại nhà Triển lãm Quốc gia (The National Gallery), Luân Đôn (Anh quốc).
· Ánh sáng và màu sắc:
The Water-lily Pond (Ao súng) là bức tranh về khu vườn của Monet do chính ông thiết kế và gây dựng. Người họa sỹ đã ngồi ngay vườn, quan sát trực tiếp và lên màu cảnh trong tranh. Bạn không thể tìm thấy bất kì màu đen nào trong bức họa, đúng chứ? Tất cả bóng râm trong đấy đều được làm từ màu xanh lam, xanh lục và một vài màu khác. Monet rất thích thêm thật nhiều màu vào bức họa. Hãy nhìn xem các vệt màu phối lẫn vào nhau đã cho bạn một ấn tượng mạnh mẽ về ánh sáng đổ xuống toàn cảnh như thế nào?   
· Khu vườn của các họa tiết:
Bạn hãy nhìn cây cối và hoa trong bức họa The Physicians' Duel mà tôi đã đề cập ở phần 2a. Bạn có thể nhìn thấy chúng có thật nhiều chi tiết, nhưng chẳng giống thật như tranh vẽ của Monet. Bởi vì Aqa Mirak yêu thích chăm chút cho việc trang trí tất cả không gian của bản vẽ, hơn là quan tâm vào xử lí ánh sáng và các chuyển động.
ngamtranhp3-2
· Cây cầu gỗ mảnh khảnh:
Bây giờ hãy nhìn thật gần cây cầu của Monet. Ta liền nghĩ đến sự xuất hiện hình ảnh cây cầu gắn liền việc mọi người phải băng qua nó để đi vào khu vườn, mặc dù thực tế trong tranh chẳng có ai đang đứng ở đó. Nhưng cây cầu trông thật yếu ớt, bạn có đồng ý không? Bạn không hề thấy bất kì chân cầu nào và cũng chẳng biết nơi nó bắt đầu và kết thúc, nhìn như thể nó đang lơ lửng trên nước tựa như bông súng nổi trên mặt ao vậy. Monet đã không quan tâm và thể hiện cấu trúc của cây cầu, việc thể hiện ánh sáng và bóng tối trên nó mới thực sự thu hút ông.
ngamtranhp3-3
· Cây cầu đá chắc chắn:
Hãy nhớ lại cây cầu mà Crivelli đã vẽ trong bức họa The Annuciation (gọi tắt tên tranh cho ngắn gọn). Nó khác hoàn toàn cây cầu của Monet, bạn có đồng ý không? Hãy nhìn phần vòm (nhịp cầu) chắc chắn và mạnh mẽ kia, trông thật dễ dàng để chịu sự qua lại của mọi người trên thân nó. Crivelli yêu thích kiến trúc của cây cầu, ông ấy đã mô tả từng phần cấu trúc của nó: nhịp cầu (arch), chân cầu (supports) và cả trang trí.
· Hãy xem cho chính mình:
Bạn đã bắt đầu nhận ra rằng mỗi người đều chọn những cách vẽ rất riêng chưa. Đó là lí do vì sao việc ngắm tranh rất thú vị: các họa sỹ đã cho ta thấy tất cả các cách để chiêm ngưỡng thế giới mà chúng ta đang sống. Thử tìm hiểu chúng ta khác biệt nhau thế nào đối với việc nhìn các sự vật sự việc thông qua một trò chơi. Một người sẽ nói, ví dụ như “nhà gare (railway station)”. Mỗi người chơi còn lại sẽ viết thật nhanh ra giấy từ đầu tiên mà các bạn nghĩ đầu tiên về nó. Có thể kết quả sẽ khác nhau như “ồn ào”, “những cỗ máy nặng nề”, “hơi nước”. Hãy thử với những từ khóa khác như “trường học”, “sân đá bóng”,…
· Một vài thông tin về các bức họa Ao súng  và tác giả Monet: 
ngamtranhp3-4
Claude Oscar Monet (1840-1926)
Claude Monet là một trong những hoạ sỹ nổi tiếng thời hiện đại và ngày nay được nhắc đến như người sáng lập trường phái Ấn tượng (Impressionism). Những tác phẩm của ông luôn được giới chuyên môn đánh giá rất cao và đều đắt giá, có nhiều bức lên tới vài chục triệu $. Điển hình là bức họa Le bassin aux Nymphéas (vẽ năm 1919) được đấu giá với số tiền 80.4 triệu $ vào năm 2008. Ông sinh ra tại một gia đình có truyền thống buôn bán thực phẩm khô tại Paris, Pháp. Khi được năm tuổi, gia đình ông chuyển đến Havre vùng Normandie, Pháp. Năm 1861-62, Monet gia nhập quân ngũ tham gia ở chiến trường Algerie, nhưng sau đó với sự sắp xếp của người dì, ông rời quân đội rồi theo học về nghệ thuật ở Paris. Tại đó Monet đã gặp Pierre-Auguste Renoir, người cùng ông sáng lập ra trường phái ấn tượng và cũng là bạn tri kỉ.  
Vào năm 1872, Monet vẽ phong cảnh ở Havre và đặt tên là “Impression, soleil levant” (Ấn tượng, mặt trời mọc). Bức tranh được giới thiệu lần đầu với công chúng  trong triển lãm vào năm 1874. Tuy nhiên kết quả không thành công như Monet và các hoạ sĩ khác cùng phong cách mong đợi. Hầu hết các báo cáo liên quan đều mang tính chỉ trích, đặc biệt từ nhà phê bình  Louis Leroy du Charivari, người đã dùng từ “Impression” của tác phẩm Monet để chế giễu phong cách của các nhà triển lãm.
Ông qua đời vào tháng 12 năm 1926 và chôn cất ở Giverny. Trong suốt sự nghiệp sáng tác, có rất nhiều tác phẩm được thực hiện ngay trong vườn hoa nhà ông ở Giverny. Ông rất yêu hoa và hoa là chủ đề chính trong các tác phẩm của Monet. Ông từng tuyên bố rằng nếu không trở thành họa sỹ thì ông sẽ trở thành nhà làm vườn.
ngamtranhp3-5
Bức họa Impression, soleil levant
Nguồn: en.wikipedia.org
Khu vườn ở Giverny, vùng Haute-Normandie trồng rất nhiều loài hoa, nhưng hoa súng là loài được Monet chú ý và vẽ nhiều nhất với hơn 200 tác phẩm. Hiện nay, chúng được trưng bày ở các bảo tàng mĩ thuật khắp nơi trên thế giới như bảo tàng Orangerie, Pháp; bảo tàng Orsay và Marmottan ở Paris, Pháp; viện mĩ thuật Chicago, bảo tàng nghệ thuật The Metropolian tại Mĩ; nhà triển lãm quốc gia Luân Đôn,… 
Đối với bức họa The Water-lily Pond, Monet đã phải mất 10 lần để vẽ hình ảnh ao súng trong hàng giờ của một ngày và trong niềm vui thích với sự đa dạng của ánh sáng, đó chính là lịch trình của hiện thực và mộng tưởng. Hình ảnh ao súng đóng vai trò chủ đạo, vào thời điểm giữa buổi sớm, khi đó màu của ánh sáng được chiếm chủ đạo bởi sắc thái màu vàng. Phần bóng (tối) được gia giảm một cách cân đối và thâm chí đã biến thành một vài vết màu xanh dương-tím nhẹ. Ánh sáng phản xạ (cây) mang sắc xanh lá mạnh và thể hiện rõ nét hơn. Còn sắc đỏ và xanh lá phản xa trên mặt nước thì nhẹ hơn, có cùng tông và trông ấm hơn.
II/ Thiên nhiên
ngamtranhp3-6
Flowers in a Terracotta Vase (Hoa cắm trong bình Terracotta)
(133.5x91.5cm), vẽ bởi họa sỹ Hà Lan Jan van Huijsum từ 1736-1737
Nguồn: www.nationalgallery.org.uk
Đây là một tuyệt tác mô tả hình ảnh một bình hoa được thể hiện bởi họa sỹ người Đan Mạch Jan van Huijsum (phát âm là How-zum). Chẳng có mấy ai có thể vẽ được một bức tranh chi li đến thế! Bạn có thể thấy từng lá cây, cánh hoa, thậm chí cả các đốm trên những quả trứng trong cái tổ chim nhỏ xinh nằm dưới cùng. Nhưng bức họa không mô tả đúng với thực tế, vì bạn chẳng bao giờ thấy các loài hoa đó lại cùng nở rộ trong cùng thời điểm trong thực tại như vậy.    
· Hoa trong cuộc sống êm đềm (chơi chữ của cụm từ trong tranh tĩnh vật):
Tôi không bận tâm đến tính không thực của bức họa (trích lời Frances Kennet). Huijsum đã muốn nói rằng: “Hãy nhìn tất cả điều tuyệt diệu của tự nhiên này mà xem, chúng ta có thể thưởng thức chúng”. Huijsum không cần dùng lời để diễn đạt điều ông muốn nói, ông đã vẽ bức họa với tất cả các loài hoa yêu kiều mà ông có thể kiếm được. Bức tranh chính là một tranh tĩnh vật (still life), là một bức họa về phong cách sắp đặt tĩnh vật.
· Dưới mắt nhìn của loài ong:
Khi bạn dùng kính lúp để nhìn một đám rêu hay một bông hoa, bạn sẽ phát hiện một thế giới mới đầy những chi tiết và họa tiết phức tạp. Nhưng bạn sẽ làm gì nếu có ai đó yêu cầu bạn vẽ lại đóa hoa đó? Bạn có muốn bỏ vào đấy mọi thứ bạn thấy vào đấy, hay là chỉ muốn thể hiện những gì bạn có thể quan sát được bằng mắt thường thôi?
· Chuyển động trong ao nước:
Monet đã cố gắng nói điều gì về các loài hoa trong ao bông súng ấy? Rõ ràng đó là một bức họa về khung cảnh thiên nhiên thực và không phải là một tranh tĩnh vật, đúng chứ? Monet đã không thể hiện cho ta thấy bất kì chi tiết nào của hoa súng. Ta không thể quan sát được cánh hoa và lá mà chỉ mình tác giả biết chúng ở đâu. Thay vào đó, ta có cảm tưởng rằng xuất hiện trên những đóa hoa là những vệt ánh sáng lốm đốm, và chúng đung đưa nhẹ nhàng theo những gợn sóng lăn tăn khi một cơn gió thổi thoáng qua. Ông cũng quan tâm đến việc tô màu cho chúng-kết cấu và vài màu sắc của các bông hoa.   
ngamtranhp3-7
Các bức tranh của Monet và Huijsum cùng chủ đề về thiên nhiên. Tuy nhiên mỗi họa sỹ làm cho ta nhìn và cảm nhận những điều khác nhau. Tất cả các tuyệt tác đều làm cho ta “xúc động” theo cách đó. Điều này tương tự như trong âm nhạc-việc cảm nhận được mọi thứ đang diễn ra xảy ra trước khi phải nghĩ về chúng (như kiểu ta thường nghe bài hát vì thích trước khi xem xét các góc độ lời, giai điệu, phối khí,…-NgD)
· Tất cả các loài cây:
Đôi khi một họa sỹ dùng cây cỏ để dựng cảnh hoặc tạo xúc cảm cho tranh vẽ của mình. Hãy ngắm cái cây trong bức A Winter scene with Skaters của Hendrick Avercamp, với đường viền rõ nét đã cho ta hình dung về bầu không khí khô và lạnh lẽo. Bức họa thực sự vẽ về những người trượt tuyết, nhưng hình ảnh cành cây trơ trọi kia đã góp phần giúp họa sỹ lột tả sự lạnh lẽo, băng giá của mùa đông.
Dưới đây là hình ảnh cây cối trong bức họa Bathers at Asnières của Georges Seurat. Hãy nhìn ánh nắng lờ mờ đang phớt lên chúng như thế nào? Cách mô tả đó giúp tạo cảm giác nóng nực của thời tiết vào một ngày lặng gió bên bờ sông.
Một chậu cây nho nhỏ:
Có lẽ bạn còn nhớ đến bức họa The Annunciation, nổi bật với hình ảnh con người và các tòa nhà. Nhưng bạn có chú ý đến hình ảnh chậu cây ngay ban công nhà của Mary không? Lá cây được vẽ rất tỉ mỉ và rõ ràng. Và kiểu dáng chậu trông thật yêu kiều. Crivelli đã đặt vào tranh vẽ một “bức họa tĩnh vật” nhỏ nhắn khiến cho căn nhà của Mary trông giống thật và tựa như có người đã ở lâu rồi (lived-in).
ngamtranhp3-8
ngamtranhp3-9
Tìm kiếm các chi tiết:
Bạn hãy xem lại bức họa của Crivelli, vẫn còn các loại “tĩnh vật” khác. Hãy tìm tất cả nếu bạn có thể, chúng bao gồm những chậu cây, trái cây và rau củ.
Hãy nhớ rằng bạn có thể nhìn thật gần từng phần nhỏ của bức họa với hai thanh L mà tôi đã nói ở phần 1 (theo như tác giả thì thực hiện ngay trên quyển sách, ở đây ta có thể zoom hình rồi áp dụng trên màn hình-NgD) (Bạn đã ghi chú cả những quyển sách, đĩa, nến chưa? Chúng cũng được gọi là tĩnh vật đấy).
 III/ Ngựa trong tranh
Có một vài hành động đang diễn ra trong tranh này! Các bạn chú ý bộ vó trượt khi con ngựa đang “tranh giành chạy” (ý ở đây là hình ảnh con ngựa đang trượt trong lúc chạy thục mạng-NgD) giữa khu đồi trơ trọi và đầy bụi. Con vật vạm vỡ ấy và người cao bồi không kém phần mạnh mẽ, dẻo dai cùng đang hướng về phía sườn đồi nhằm giữ thăng bằng. Hãy nhìn Frederic Remington đã vẽ bờm và đuôi ngựa bằng các vệt màu thô như thế nào? Chính cách vẽ đó đã tạo cảm giác con ngựa đang thực sự chuyển động. Con ngựa và người cưỡi trông thật quan trọng và cũng cô đơn nữa, bởi vì khung nền trông thật trống vắng. Ngày nay các chàng trai và cô gái cao bồi cưỡi ngựa băng ngang qua các khu đất đã được trồng trọt. Nhưng lúc Remington vẽ bức tranh thì những người Mỹ miền Tây hoang dã (the Americans Wild West) vẫn còn tồn tại.
ngamtranhp3-10a
Chiến mã của nhà quý tộc:
Con ngựa Persian và người chủ của nó được miêu tả trông thật tao nhã. Dáng vẻ quý phái của con vật tôn lên bởi vật (màu trắng) đang quấn quanh cổ của nó. Con ngựa là một phần trong bức tranh The Physicians’ Duel, nhưng nhìn nó chẳng “sống động như thật”. Ở đây Aqa Mirak tập trung mô tả hình dáng con ngựa hơn là vẽ sao cho nó giống thực tế.
ngamtranhp3-10b
The Cowboy (Chàng cao bồi) (101.6x71.1cm)
vẽ bởi họa sỹ người Mỹ Frederic Remington vào năm 1902
Nguồn: hooker.com
ngamtranhp3-10c
A Horse frightened by lighting
(Một con ngựa hoảng sợ bởi sấm chớp)
(48.9x60.3 cm)
vẽ bởi họa sỹ người Pháp Thé odore Gé ricault năm 1820
Nguồn: www.nationalgallery.org.uk
Hãy chú ý đến bức họa về con ngựa đua đầy tự hào của Géricault. Đẹp đẽ làm sao! Nó trông thật sung sức và phấn khích: bộ lông sáng, từng thớ thần kinh trên cơ thể căng lên như đang dè chừng điều gì đấy. Đây không phải là toàn bộ cách mà người nghệ sĩ đã vẽ thân và các chân con ngựa để làm cho nó có điệu bộ đang rất cảnh giác. Ở đây còn nhiều chi tiết hơn thế. Họa sỹ có thể cường điệu các chi tiết để làm cho bức tranh trông thật kích thích hơn nữa. Bạn có thể nhìn lòng trắng đôi mắt của con ngựa, trông có vẻ thật bồn chồn. Géricault cũng đã thêm vào bức tranh hình ảnh những đám mây đen vần vũ, sấm rền vang cùng bầu trời nặng trĩu để tăng thêm kịch tính. Các chi tiết trên đã đưa vào tranh sự căng thẳng và kích động. Chúng góp phần làm cho con ngựa trông sống động, nhanh nhẹn và đầy sinh lực hơn, bức tranh dường như muốn nói rằng “Con ngựa thật mạnh mẽ và thần tốc” dù thực tế nó đang đứng bất động.  
· Một con ngựa đau đớn:
Toàn thân con vật này đang xoắn lại trông thật kì dị, không giống bất kì loài ngựa nào trong đời thường. Dĩ nhiên bạn có thể chắc chắn nói rằng đây là một con ngựa-chú ý đến cái cổ đang duỗi ra và hàm răng của nó. Bạn có thể nghe thấy tiếng ngựa hí rất to trong đau đớn và sợ hãi. Bạn có nhớ con ngựa này trong bức họa Guernica chứ? Họa sỹ Picasso đã có thể vẽ con ngựa đích thực nếu ông muốn. Ông xoắn hình dáng con ngựa nhằm mục đích cho chúng ta cảm thấy đau đớn và sự xấu xí của bối cảnh.
ngamtranhp3-10d
· Ngắm nhìn các con vật khác:
Bạn có nuôi một con chó hay một con mèo chứ? Hoặc bạn của bạn có một con và bạn có thể ngắm nó? Bạn sẽ thể hiện cho mọi người thấy gì nếu bạn muốn vẽ tranh về nó? Đôi tai tinh lanh? Có lẽ cái đuôi ngúng nguẩy vui vẻ? Hay bộ lông óng ả và đôi mắt sáng của một con vật tràn trề sức sống?
IV/ Cách nhìn của họa sỹ đối với con người
Giữa chúng ta giao tiếp với nhau rất nhiều điều nhưng không cần lời nói. Ví dụ, khi trông thấy bạn có vẻ nhợt nhạt, người mẹ sẽ biết bạn đang không khỏe. Vậy những nét cọ đã nói cho ta biết gì về con người?
Một thông điệp dễ hiểu hơn có thể thấy được dựa vào nét và vẻ mặt. Thêm một cử chỉ, điệu bộ cùng với cảm xúc trên khuôn mặt bạn thì mọi thứ được biểu lộ càng rõ ràng. Hành động nắm tay cho ta thấy điều gì? Những người nghệ sĩ luôn biết rằng gương mặt và bàn tay là hai bộ phận mang nhiều ý nghĩa nhất của cơ thể. Hãy nhìn nhân vật hoạt hình dưới đây. Họa sỹ Patrick Hughes đã làm cho nó trông thật ngốc nghếch bằng cách đặt hai con mắt nằm sát nhau, và cắt riêng phần não chỉ chừa phần đầu bên dưới. Và cử chỉ của nó thì không thể nhầm lẫn đâu được, có vẻ đang giễu cợt một cách khiếm nhã người nào đó.
ngamtranhp3-13
Hình vẽ này là trang bìa của quyển catalogue về hội họa hiện đại và đi kèm với lời chú thích (caption): “Một đứa trẻ lên sáu cũng có thể làm được”. Bạn có nghĩ Patrick Hughes hàm ý điều gì không?       
· Thế nào là một tranh chân dung?
Tranh chân dung là một bức họa tập trung thể hiện gương mặt của một người. Khi nhìn các bức vẽ chân dung cách đây hàng trăm năm, bạn sẽ sớm nhận ra rằng con người chẳng thay đổi nhiều lắm theo thời đại. Vẻ ngoài (trang phục, cách ăn mặc) thường sẽ khác, nhưng biểu cảm và nét mặt vẫn cứ giữ thế.
ngamtranhp3-14
Potrait of Gerolamo Barbarigo (Chân dung Gerolamo Barbabigo)
(81.2 x 66.3 cm) vẽ bởi Titan vào khoảng 1510
Nguồn: www.nationalgallery.org.uk
· Ngồi dưới nắng:
Chân dung người đàn ông mặc đồ màu lam được vẽ bởi họa sỹ người Ý Titian (phát âm là Tish-un) cách đây 400 năm. Ngày nay, bạn có thể thấy một ai đó trên đường với khuôn mặt và cả kiểu tóc trông giống vậy. Ông ta cười nhếch mép một cách bí hiểm, liệu người đàn ông có hài lòng với bức họa này không? Trông ông ta có vẻ kiêu ngạo như thể đang nói rằng: “Tôi là một gã điển trai và giờ thì mọi người sẽ biết thôi” chăng? Hay vẻ mặt còn ngụ ý gì khác? Hãy chú ý đôi mắt ông ta, cứ như đang dõi theo bạn dù bất cứ nơi nào bạn ngồi để quan sát chúng.
· Một thể loại hoàn mĩ:
Ta hãy nhìn lại hình ảnh Mary trong bức họa The Annuciation (đã đề cập ở phần 2b), bạn có thể thấy cách mà họa sỹ đã làm cho nàng ta trở nên thanh tú hơn bằng các nếp nhăn ở đôi mắt và khóe môi không? Mary trông thật yêu kiều. Nhưng nét mặt của cô ấy trông hoàn hảo đến nỗi bạn có thể cảm thấy rằng bạn sẽ chẳng bao giờ thấy gương mặt giống như thế xuất hiện trên đường. Crivelli đã họa hình ảnh Mary trông thật thần thánh và đặc biệt.
ngamtranhp3-15
Hãy so sánh chân dung người đàn ông trong trang phục màu lam với gương mặt cậu bé trong bức họa của Seurat, Bathers at Asnières. Nhân vật của Titian trông như người thật, đúng chứ? Còn cậu bé thì như trái ngược lại, không giống người cho lắm, gương mặt không nét biểu lộ, bạn không thể nhìn rõ mắt và miệng của cậu ta. Nhưng bạn có thể cảm tưởng rằng cậu bé đang thấy uể oải và nóng nực. Bạn có nhận ra màu xanh đo đỏ đượm trên gương mặt cậu nhóc chứ? Trông giống như màu làn da có được dưới nắng gắt vậy.
· Nét mặt đau đớn:
Đây là một số những gương mặt kì quặc và hoảng sợ trong bức tranh Guernica của Pablo Picasso (đã thông tin một ít trong phần 2a-NgD). Cái đầu xấu xí, miệng há hốc, cổ duỗi thẳng ra cho ta cảm nhận được nỗi thống khổ của người mẹ đang phải chịu đựng khi mất đứa con. Gương mặt người mẹ có vẻ đang gây bối rối vì đôi mắt bị vặn cong còn cái miệng có kích thước lớn hơn nhiều so với bình thường. Pablo Picasso đã cường điệu nét mặt của người phụ nữ với mục đích cho người ta thấy được chiến tranh khủng khiếp đến nhường nào.
ngamtranhp3-16
· Thêm vào tranh một vài trang phục hiện đại:
Hãy sưu tầm hình ảnh của các nhân vật lịch sử và xem người nào trông tân thời. Cách dễ nhất để làm điều đó là hãy ghép các gương mặt đi kèm với các trang phục hợp mốt. Hãy khoét một lỗ tròn trên một tờ giấy đủ lớn sao cho có thể cho gương mặt của nhân vật nằm ở phía dưới. Sau đó vẽ phần thân đang mặc jeans và T-shirt hoặc váy cũng được. Kết quả đôi khi gây bất ngờ và vui nhộn đấy!
ngamtranhp3-18
V/ Trang phục cho ta biết gì
Một trong những điều bạn cần lưu tâm, đó là các cách thể hiện khác nhau mà họa sỹ dùng khi vẽ. Bạn cũng có thể nhìn vào tranh mà nghĩ rằng chúng trông như những bức ảnh thời quá khứ vậy. Từ nó bạn sẽ khám phá được cách sống của con người ở từng thế kỉ và những vùng đất khác nhau thông qua việc nghiên cứu các chi tiết của trang phục, của phần bên trong những ngôi nhà của họ, của những con đường, vv..
· Bạn mặc như thế nào:
Ở trường bạn mang đồng phục hoặc các trang phục thường ngày. Còn khi ra ngoài có thể bạn chọn quần áo mà bạn thích nhất. Nhiều trang phục khác nhau ứng với nhiều dịp, sự kiện (lễ). Cái bạn mặc sẽ nói lên điều gì đó về con người bạn, còn cách thức ăn bận sẽ bộc lộ nhiều thứ hơn.
· Sự giàu có và quyền lực:
Người họa sỹ biết rằng cách ăn mặc của một người có thể cho biết manh mối rằng họ là ai, họ sống như thế nào và những gì họ đang là. Hãy nhìn chân dung của nữ hoàng Elizabeth I của vương quốc Anh. Dường như không có khiếm khuyết nào về hình ảnh quyền lực và sự giàu có của người phụ nữ vĩ đại này. Bạn có thấy những viên đá quý đính vào dải cổ áo rũ dài ở phía trước lễ phục của bà ấy không? Và bạn nhận ra miếng trang sức hình trái tim treo trên đó chứ? Và hãy nhìn cả tấm đăng ten thêu vàng (nhìn như khăn voan) đang phất phơ phía sau đầu của nữ hoàng.
ngamtranhp3-19
Queen Elizabeth I (94×81.3 cm),
không rõ họa sỹ, vẽ năm 1585-Nguồn: en.wikipedia.org
Bức họa đầy màu sắc này đã thể hiện cách ăn bận của một người có và vương giả vào thế kỉ 16 là như thế nào. Nhưng lịch sử cho ta biết rằng, trong khi nữ hoàng Elizabeth đệ nhất mặc đồ nhung lụa và bằng vàng thì người dân của vương quốc chỉ bận những chiếc áo chẽn len đơn giản và chiếc áo khoác cotton thô kệch.
ngamtranhp3-20
· 500 năm trước:
Đây là hình ảnh cô bé đang nhìn trộm ra ngoài quanh bức tường trong bức họa The Annuciation. Bạn có thể nói gì về em gái ấy? Rõ ràng là em ấy không nghèo khổ, đang áp gương mặt mềm mại lên thành tường và thèm khát nhìn ra phía bên ngoài. Cô bé ăn mặc thật gọn gàng, với chiếc mũ vải bó sát quanh đầu và những gì trông như những hạt ngọc trai đính quanh mép chiếc “áo yếm” trắng (pinafore dress, để chỉ chiếc đầm không tay cho trẻ con mặc ngoài tránh bẩn quần áo, trong tranh có màu trắng). Có lẽ cô bé là con của một nhà buôn hoặc người chủ hiệu trong thị trấn. Và cô bé ăn mặc như vậy để làm gì? Có thể em đang chờ cho đến khi trường bắt đầu tiết học hoặc chờ cha mẹ đưa cô đến tham quan trường.  
Đó là những thắc mắc mà một người nghiên cứu lịch sử thông qua các bức họa sẽ cố gắng giải đáp. Khi bạn quan tâm đến họ mặc trang phục gì thì việc học hỏi từ quá khứ sẽ càng trở nên thú vị hơn nữa.
· Thương nhân và nông dân:
Bạn có thể thấy trong bức họa A Winter Scence with Skaters, mỗi người mỗi cách ăn mặc khác nhau tại cùng thời điểm đấy. Hai trong số những người trượt băng trên chọn loại trang phục sang trọng, một cách rõ ràng, ta có thể biết họ có rất nhiều tiền. Hai người khác, trông có vẻ đơn giản và bình thường, có lẽ là họ đang làm nông ở khu vực làng quê gần đó. Nào bây giờ hãy nhìn thật gần các chi tiết. Ta có dùng giày trượt như thế không? Bạn có để ý hai chiếc nón của người nông dân thì dạng tròn còn cái mũ của người quý tộc gắn lông chim chứ?
ngamtranhp3-22
ngamtranhp3-22
· Sự xa hoa ở Ba Tư:
Đôi lúc, dĩ nhiên thật khó khăn  nếu nói rằng họa sỹ đang phản ánh chính xác hoặc tưởng tượng các trang phục dạ hội (fancy clothes-loại quần áo có trang trí, không phải loại thông thường). Trong bức họa The Physicians' Duel, trang phục của các cận thần đều được đính vàng trên đó. Bạn có nghĩ rằng mọi người đều có đủ khả năng thêu một cách tốn kém như vậy, hoặc phải chăng họa sỹ Aqa Mirak chỉ làm cho bức tranh trông đẹp mắt và để trang trí bằng việc thêm vào các họa tiết (vàng) lên tất cả những chiếc áo kia.
· Tự làm một scrapbook:
Rõ là những chi tiết vụn vặt trong một bức họa có thể gây hứng thú cho bạn. Bạn có thể mất nhiều giờ trong một nhà trưng bày (gallery) hoặc một thư viện chỉ để ngắm các chi tiết như là giày, mũ và kiểu tóc. Tại sao ta không bắt đầu bằng một tấm postcard dán trong scrapbook về các loại quần áo khác nhau. Bạn cũng có thể chọn những hình ảnh về trang phục của một thế kỉ đặc thù hoặc đất nước nào đấy. Ngoài ra bạn có thể sưu tầm hình ảnh của những con người đội các ruff khác nhau – một loại hình cổ xòe trắng mà trong tranh nữ hoàng đang mặc. Điều đó sẽ trở nên khác biệt.
VI/ Đôi mắt bạn tinh anh đến cỡ nào?
Bây giờ là cơ hội để bạn nhìn lại những gì bạn đã ghi chú ở từng bức họa mà tôi đã đề cập ở các phần 1, 2a và 2b. Đây là tên của sáu bức tranh:
A Winter scence with Skaters
The Physicians' Duel, Guernica
The Annunciation, Bathers at Asnières, Sinbad the Sailor
Bạn có thể đoán các chi tiết sau đến từ bức họa nào không? Trước khi các bạn vội mở lại các phần trước, ở đây tôi sẽ đưa các bạn một vài manh mối.
ngamtranhp3-24a
ngamtranhp3-24b
ngamtranhp3-24c
ngamtranhp3-24d
ngamtranhp3-24e
Bức hình đầu tiên (từ bên trái đếm qua) mô tả một con thuyền nhỏ. Một trong số các bức họa kích thước lớn được tô bằng màu đen, trắng và xám cùng với nét vẽ cứng và mạnh mẽ. Đó là tranh vẽ Guernica của Picasso. Nhưng chiếc thuyền được lên màu nhẹ nhàng, nên chắc chắn nó không nằm trong Guernica.
Bạn để ý chiếc thuyền trong tranh Sibad the Sailor của họa sỹ Klee rằng nó được vẽ một cách gọn gàng, phẳng và rõ ràng như thế nào không? Mặc dù con thuyền này trông nó được bo tròn, nó còn có cả phần bóng đen ở phía trên, do vậy nó không đến từ bức tranh ấy.   
Còn về bức họa trinh nữ Mary và đại thánh thần thì sao? Bức tranh với rất nhiều chi tiết trong hình ảnh các tòa nhà và trang phục được vẽ một cách cẩn thận và chính xác. Do vậy con thuyền không thể đến từ bức họa này.
Bây giờ các chi tiết còn lại xin dành cho bạn tự đoán. Vậy theo bạn tấm hình nào chia sẻ cùng màu sắc và mood (phong thái?) như chiếc thuyền kia?
· Chữ viết tay của họa sỹ:
Những sự khác biệt giữa các bức tranh mà các bạn nhận thấy chính là một phần của phong cách họa sỹ, mỗi người với mỗi cách vẽ đặc biệt và độc đáo. Điều đó giống như chữ viết tay vậy. Có lẽ bạn  tự nhận ra được chữ viết nào là của người bạn thân, của mẹ mình hoặc của thầy cô. Phong cách chính là cách nói khác của việc sở hữu các kiểu “chữ viết tay” riêng biệt khi vẽ của họa sỹ vậy.
Sơ lược về màu sắc (Phần 4)
I/ Từ bức tường trong hang động đến canvas
Mỗi khi bạn quyết định vẽ tranh, thường bạn sẽ ghé vào shop để mua hộp màu nước hoặc có thể cùng với một vài tuýp màu sơn dầu. Thật dễ làm! Nhưng có bao giờ bạn thắc mắc rằng màu sắc đến từ đâu và thuốc màu được làm như thế nào không?
· Sự phong phú của thiên nhiên dành cho sắc màu:
Hầu hết màu sắc đều được làm từ những thứ trong tự nhiên: đất, đá, thực vật, ngọc quý, thậm chí bằng xác côn trùng sấy khô. Để tạo màu, vật liệu thô phải được nghiền nhuyễn thành bột được gọi là pigment (bột màu/hạt sắc tố). Sau đó các pigment được trộn lẫn với medium (dung môi - nhũ tương ngày nay) tạo thành dạng lỏng và sau đó thêm binder (chất kết dính) vào. Nước hay dầu (nguồn gốc từ các loại hạt và hoa) là một dung môi. Gum (nhựa cây-từ cây cối và thực vật), glue (hồ keo), và trứng là vật liệu kết dính. (“Tôi để nguyên văn các từ tiếng anh và dùng về sau-NgD“)
Hãy nhớ lại thông tin về màu xanh dương trang phục của thầy y xứ Ba Tư đã đề cập trong bức họa The Physicians’ Duel. Có thể nó được tạo thành từ việc tán nhuyễn các viên đá quý lapis lazuli (đá da trời) sau đó trộn với nhựa cây để tạo thành sơn vẽ.
ngamtranhp4-1
Đá lapis
Màu xanh lá được xay từ đất xanh (terre verte), màu vàng đậm được chuẩn bị từ đất son vàng (yellow ochre), một loại đất sét (1). Raw Sienna, một loại đất được tìm thấy tại Sienna, Ý được dùng làm màu vàng sáng nhẹ. Còn rễ cây thiên thảo (rose madder) dùng để tạo màu hồng dễ thương kia. Màu đỏ tươi (scarlet) là chế phẩm từ việc giã nhuyễn con rệp son (2).
ngamtranhp4-2
Hình vẽ trong hang động Altamira
khoảng 20,000 năm về trước, cao tầm 76 cm
· Nghệ sĩ đầu tiên trên thế giới:
Hình vẽ trên đây mô tả những con bò rừng thời tiền sử được lên màu từ những thứ trong tự nhiên. Nó được phát hiện trên tường trong một hang động tại Altamira, Tây Ban Nha có niên đại cách đây 20000 năm. Để vẽ những bức tranh như thế này những họa sĩ người nguyên thủy đã cầm đá lửa quẹt lên tường tạo nét phác thảo rồi sau đó “tô màu”. Họ chuẩn bị màu nâu, vàng, hoe đỏ từ quặng sắt đã được nghiền bằng đá; rồi đem trộn chúng với nước ép thực vật hay máu động vật hoặc mỡ để làm thành thuốc vẽ. Màu đen được tạo thành từ hồ bóng hay chì than còn phấn được dùng để tạo màu trắng. Để tô màu, họ nhúng tay trực tiếp vào sơn hoặc dùng lông chim, lông thú hay cành cây bị nhai mất một đầu làm cọ vẽ.
Bạn có thể tưởng tượng phải mất bao nhiêu thời gian và công sức để thực hiện một bức tranh theo cách đó không? Về sau này, những nghệ sĩ đã bắt đầu vẽ trên tường nhà, bảng gỗ, tờ giấy hoặc những tấm da thú rất mỏng. Vào thế kỉ XV, họa sĩ bắt đầu vẽ trên canvas (khung vải toan), bao gồm một loại vải được xử lí đặc biệt và được kéo căng phủ kín toàn bộ khung gỗ.
· Một cái chạm tinh tế: 
Hãy nhìn tấm hình xuất xứ Nhật Bản vẽ về một con chim bói cá ở dưới đây.
Kingfisher (Chim bói cá) vẽ bởi họa sĩ người Nhật Yamanaka Shönen, khoảng thời gian 1806-1820, kích cỡ 26.7 x 19 cm
ngamtranhp4-3
Hình được trích từ sách
Bạn có nhận thấy màu sơn nhìn trong suốt không? Mặt giấy gần như sáng bóng lên bởi màu xanh và màu nâu phơn phớt. Tại vì người họa sĩ đã vẽ tranh bằng màu nước-một thể loại vẽ tranh mềm mại và sắc màu nhàn nhạt một cách diễm lệ. Màu nước được tạo bởi sự phối trộn màu bột khô cùng với nhựa cây hay chỉ cần dùng một mình nước. Yamanaka Shönen chỉ cần vẽ bằng vài nét cọ đã mô tả con chim bói cá một cách đẹp đẽ và chân thực.
· Sơn dành cho từng ý định khác nhau:
Ngày nay tất cả các loại sơn vẽ đều được trộn sẵn trong một tuýp (tube) và có nhiều chất lượng khác nhau. Sơn nước khi sử dụng trông mượt và trong, khác hoàn toàn với hình thức màu không sáng, không bóng của poster. Màu bột (gouache-phát âm goo-ash) và màu keo (tempera) là những chất liệu sơn mờ đục như màu của poster. Và tất cả chúng đều được dùng để vẽ trên giấy
ngamtranhp4-4
Sự khác biệt của các loại sơn,
theo thứ tự từ trên xuống: màu nước, màu bột, màu acrylic
Nguồn:https://lockerdome.com/
Sơn dầu (oil paint) thì sáng bóng và sệt, thường dùng để vẽ trên canvas, gỗ hoặc giấy đặc biệt. Phần lớn các bức họa được đề cập trong quyển sách này đều được sơn dầu. Bởi vì loại sơn màu này rất lâu mới khô (từ tám tiếng đến hai ngày) nên rất nhiều họa sĩ hiện đại thường chọn màu acrylic nhanh khô để thay thế, với cùng chất lượng bóng láng như sơn dầu.
· Tự vẽ một bức họa:
Bạn sẽ cần một thanh phấn trắng hoặc phấn màu, hai thìa dầu ăn, một tấm thớt băm và một cái muỗng kim loại (cần hỏi ai đó trước khi dùng chúng nhé). Đập vụn các viên phấn, sau đó nghiền chúng thành bột thật mịn bằng mặt lồi của muỗng, rồi thêm dầu từng giọt một và khuấy nhuyễn hỗn hợp.
II/ Một ngàn lẻ một màu sắc
Màu yêu thích của bạn là gì? Đỏ, vàng, xanh lá hay một màu khác? Hãy nghĩ về màu đó rồi cố gắng tưởng tượng bạn sẽ mô tả nó bằng lời nói như thế nào. Việc này không giúp gì nhiều để diễn đạt, ví dụ, “tôi thích màu xanh lá”. Một người nào đó có thể nghĩ là “cỏ xanh” hoặc kẻ khác lại nghĩ “một cái lọ màu lục”. Ở đây có rất nhiều sắc thái khác nhau của màu sắc và mỗi cái ảnh hưởng đến mọi người theo cách riêng biệt.
· Xanh dương, xanh nước biển, xanh lam: (3)
Hãy hình dung về từ “màu xanh lam”, hãy liệt kê một vài sắc thái màu mà bạn từng thấy: xanh của trời cao, xanh của mực viết và có thể cả xanh của hoa xạ cúc lam. Bây giờ bạn hãy nhìn các vật thể màu lam quanh nhà, và thử nghĩ về các từ ngữ thật đặc biệt để nói thật chính xác những gì bạn thấy.
ngamtranhp4-5a
Hoa xạ cúc lam- Nguồn: Internet
ngamtranhp4-5b
Trời xanh - Nguồn: Internet
ngamtranhp4-5c
Vết mực xanh - Nguồn: Internet
Bạn sẽ miêu tả màu xanh của cổ tay áo người đàn ông trong bức họa Gerolamo Barbabigo tôi đã đề cập trong phần 3 ra sao? Xanh khói? Xanh tía (xanh của lan dạ hương)? Xanh nước biển? Nếu không phải chúng thì có thể trong tương lai bạn sẽ nghĩ đến sắc thái xanh với mô tả kiểu như “màu xanh cổ tay áo của người đàn ông trong tranh Titian”.
· Chơi cùng màu sắc:
Bạn và những người bạn của mình có thể chơi trò từ ngữ miêu tả các màu khác: “nâu cháy-nâu của bánh mì nướng” thay cho màu nâu trơn, hoặc “màu xám của trời mây dông” thay cho màu xám đơn thuần. Mỗi người chơi sẽ ghi một điểm với mỗi từ ngữ mô tả mới lạ.
· Phối trộn màu cơ bản: (4)
Đỏ, vàng, lam được gọi là các màu cơ bản (primary colors). Nếu bạn phối trộn chúng với nhau theo hình vẽ dưới đây thì sẽ cho ta các màu thứ cấp (secondary colors) gồm cam, lục và tím (5). Ở đây có rất nhiều loại màu đỏ, vàng và xanh lam. Hãy cố tìm xem những màu nào giống như những màu đã trình bày. Màu đỏ được gọi là magenta-trông giống màu hồng, nhưng đây là màu đỏ tốt nhất được dùng để pha trộn.
ngamtranhp4-6
Hình được trích từ sách
Việc phối các lượng khác nhau của từng màu cơ bản sẽ cho bạn rất nhiều sắc thái của các màu thứ cấp. Hãy cầm kính lúp và soi vào các màu thứ cấp trên đây (đối với sách, còn trong bài viết bạn có thể lưu hình và zoom), bạn có thấy màu tím được tạo bởi rất nhiều chấm màu xanh lam và màu đỏ magenta như thế nào không? Màu lục thì bao gồm các chấm xanh lam và vàng, còn màu cam được tạo bởi các chấm đỏ magenta và vàng. Màu nâu là hỗn hợp của tất cả các màu cơ bản.
ngamtranhp4-7
Hình được trích từ sách
Thí nghiệm:
Đặt mảnh giấy màu đỏ trên một tờ giấy trắng, sau đó quan sát mảnh giấy đỏ để trên một tờ giấy màu nâu. Màu đỏ bên nào trông chói và sặc sỡ hơn? Bây giờ tiếp tục đặt mảnh giấy màu đỏ lên tờ giấy màu xanh-màu tương phản (opposite color). Bạn thấy sự kết hợp này có đem lại sự khác biệt khi nhìn không? Màu sắc trông sinh động hơn khi có sự hiện diện của màu đối lập. Vì vậy màu xanh lam trông xanh hơn khi được đặt gần màu cam, còn màu vàng trông nổi bật hơn khi đi cùng màu tím.
Nối các màu cho phù hợp:    
Hãy nhìn thật cẩn thận màu sắc của 6 palette màu sau đây:
ngamtranhp4-9
ngamtranhp4-10
Hình được trích từ sách
Nhớ lại 6 tranh vẽ đã được đề cập ở các phần trước:
Mỗi palette ứng với những gam màu có trong từng bức họa. Bạn có thể cặp chúng với nhau sao cho tương thích không? (Palette d chỉ gồm các màu trắng, đen và xám; vậy bạn có thể ghép nó phù hợp với bức tranh nào rồi đấy). Đáp án sẽ được tiết lộ ở phần 4.  
· Các màu sắc tương phản:
Từng cặp màu tương phản sắp xếp nằm đối nghịch  qua trung tâm theo từng cặp với nhau trong “bánh xe” màu: lục với đỏ, cam với lam, vàng và tím (Đôi khi người ta gọi là các màu bổ sung-complementary colors). Vòng màu ngoài cùng của hình trên thể hiện một vài sắc thái mà bạn có thể tạo ra bằng cách phối trộn các lượng khác nhau của từng màu cơ bản.
· Ý tưởng về các chấm:  
Hãy nhớ lại cách Seurat đã nhét đầy các chấm vào chiếc mũ chú bé trong tranh của mình. Và bạn cũng đã thấy các chấm đã bổ khuyết cho các màu thứ cấp như thế nào trong hình vẽ dưới đây.
Bạn hãy tự mình thử sắp thật nhiều các chấm màu đỏ magenta và màu vàng chung với nhau, chấm xanh lam và vàng, chấm xanh lam cùng chấm đỏ magenta. Sau đó đứng cách xa khoảng 3.5 m và nhìn điều gì sẽ xảy ra, có thể là sự xuất hiện của các màu cam, lục và tím.
The Snail (Ốc sên) (2.74 x 2.74 m), tranh cắt dán được thực hiện bởi họa sĩ người Pháp Henri Matisse năm 1953
ngamtranhp4-11
The Snail vẽ bởi Henri Matisse
Nguồn: https://www.tate.org.uk/art/work/T00540
Đây là bức tranh gồm các hình khối màu được dán trên nền trắng. Nhìn lần đầu tiên, ta thấy có vẻ các miếng cắt được sắp xếp rất lung tung. Nhưng hãy nhìn một trong số chúng nằm uốn quanh theo hình xoắn ốc, điều này có giống một cái vỏ ốc sên chăng?
Để làm nên tác phẩm trên, đầu tiên Henri Matisse (phát âm Ma-teece) dùng màu bột để tô các tờ giấy khác nhau, sau đó ông cắt rời chúng ta theo các hình dạng nhất định rồi đính chúng trên giấy nền trắng, giống như thực hiện nghệ thuật cắt dán vậy. Các màu sắc cũng được sắp đặt có chủ ý một cách cẩn thận như việc tạo ra các hình thù. Hãy nhìn cách miếng hình chữ nhật màu xanh lam đặt sát bên sắc cam-màu tương phản của nó, và bạn thấy các hình màu đỏ và lục nằm cạnh nhau bao nhiêu lần?
Nếu bạn vẫn nghĩ bức họa The Snail mang tính ngẫu nhiên, bạn hãy tô màu một vài tờ giấy, rồi quẳng đại chúng nằm lung tung trên sàn. Bạn sẽ thấy rằng Matisse đã không thực hiện tác phẩm của mình theo cách đấy!
Chú thích:
(1) Màu vàng khoáng chất thường là vàng đất (ochre) tức hydrated oxide sắt (Fe2O3 • H2O) (ochre vàng kim) hay oxide sắt (Fe2O3) (ochre đỏ).
(2) Tên hai loài rệp cây này là kermes và cochineal. Cả hai loài khác nhau này đều được gọi rệp son hay rệp yên chi. Bạn có thể đọc thêm một phần nguồn gốc và thành phần hóa học của màu đỏ son tại https://trinhhaithang.wordpress.com/2016/03/12/khoa-hoc-day-sac-mau/
ngamtranhp4-12
Màu đỏ thu được bằng cách nghiền con rệp
(3) Nguyên văn “blue, blue or blue?”
(4) Về vấn đề màu cơ bản tùy theo trường phái hay lý thuyết màu khác nhau sẽ có những màu cơ bản tương ứng. là một khái niệm của riêng từng lý thuyết khác nhau. Có thể tìm hiểu thêm tại bài viết của họa sĩ Nguyễn Đình Đăng 
https://nguyendinhdang.wordpress.com/2013/05/16/bi-mat-cua-mau-sac/
(5) Nguyên văn tác giả dùng từ purple, thực ra về mức độ màu sắc rất phức tạp, giữa indigo, violet, purple có sự khác nhau về tỉ lệ các màu cơ bản (H, S, V).

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Open Source CMS Ecommerce in .Net Core

What is an Application Specialist?

Sharding, Snowflake Instagram trong bài toán đối soát dữ liệu